3 nhân sự được đề nghị xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao

08/05/2024 15:10 GMT+7

TAND tối cao đề nghị bổ sung và xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao giai đoạn 2026 - 2031 đối với 3 người.

Trong báo cáo công tác gửi Quốc hội mới đây, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến hết tháng 3, toàn hệ thống TAND có 13.833 biên chế, gồm 6.499 thẩm phán, 6.935 thẩm tra viên, thư ký tòa án và tương đương, 81 viên chức và 318 chức danh khác.

TAND tối cao đề nghị bổ sung và xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao giai đoạn 2026 - 2031 đối với 3 người (ảnh minh họa)

TAND tối cao đề nghị bổ sung và xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao giai đoạn 2026 - 2031 đối với 3 người (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao giai đoạn 2026 - 2031

Về trình độ chuyên môn, ngành tòa án hiện có 1 giáo sư (là Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình - PV), 2 phó giáo sư; 69 tiến sĩ, 3.733 thạc sĩ và 9.834 cử nhân.

Về trình độ lý luận chính trị, hệ thống TAND có 2.437 người trình độ cao cấp, 166 người có trình độ cử nhân, 4.954 người có trình độ trung cấp.

Vẫn theo báo cáo, 6 tháng qua, Chánh án TAND tối cao đã trình Chủ tịch nước bổ nhiệm mới 16 thẩm phán cao cấp, 99 thẩm phán trung cấp và 101 thẩm phán sơ cấp; bổ nhiệm lại 5 thẩm phán trung cấp, 190 thẩm phán sơ cấp; miễn nhiệm 3 thẩm phán.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm. Trong đó, TAND tối cao đề nghị bổ sung quy hoạch phó chánh án TAND tối cao giai đoạn 2021 - 2026, xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao giai đoạn 2026 - 2031 đối với 3 người.

Đồng thời, tiến hành quy trình rà soát, lấy phiếu giới thiệu nhân sự đề nghị bổ sung quy hoạch lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2021 - 2026 và quy hoạch nhiệm kỳ 2026 - 2031; đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy trình và thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch đối với các chức danh chánh án, phó chánh án TAND cấp tỉnh.

Ngoài ra, còn thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại 1 phó chánh án TAND tối cao; bổ nhiệm hoặc điều động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị TAND tối cao và TAND cấp cao đối với 46 trường hợp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ chánh án, phó chánh án TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện đối với 299 trường hợp…

3 nhân sự được đề nghị xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND tối cao- Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

GIA HÂN


Bổ sung số thẩm phán còn thiếu

Cũng tại báo cáo, Chánh án TAND tối cao cho hay, TAND tối cao đã ban hành kế hoạch thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán năm 2024 để bổ sung số thẩm phán còn thiếu cho các tòa án; tổ chức thi nâng ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương đối với 193 người.

Cơ quan này còn triển khai xây dựng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong TAND theo quy định tại Kết luận số 35/2022 của Bộ Chính trị; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục vị trí việc làm của TAND; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ tiền lương mới cho các chức vụ lãnh đạo quản lý và chức danh chuyên môn trong TAND.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm.

Chánh án TAND tối cao khẳng định đây là việc làm thường xuyên, nghiêm túc của ngành tòa án. Theo đó, TAND tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2023 của các TAND cấp cao và TAND 2 cấp tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; tổ chức 3 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, thẩm phán; các tòa án đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy, một số công chức tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ, chưa rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức dẫn đến bị xử lý kỷ luật.

Đã công khai gần 1,4 triệu bản án, quyết định

Chánh án TAND tối cao cho hay, tính đến nay, có tổng cộng 757 tòa án (3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh và 691 TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 19.488 vụ án (hình sự 11.739 vụ, dân sự 638 vụ, hành chính 1.199 vụ, hôn nhân và gia đình 323 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 28 vụ, các loại vụ việc khác 5.561 vụ).

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.

Đến nay cũng đã có gần 1,4 triệu bản án, quyết định được công khai trên cổng thông tin điện tử, với tổng số hơn 176 triệu lượt truy cập. Việc này góp phần đề cao trách nhiệm của thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.