Áp giá sàn, nhiều người sẽ mất cơ hội đi máy bay

11/04/2023 14:59 GMT+7

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay một lần nữa được đặt ra mới đây gây lo ngại khách hàng sẽ chịu thiệt thòi, không được hưởng vé giá rẻ, cũng như ảnh hưởng bất lợi cho ngành du lịch đang cần đà phục hồi.

 Chấm dứt cuộc đua giá rẻ?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HÐQT Vietravel Corporation khẳng định việc áp dụng giá sàn sẽ làm giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phục hồi và phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Theo ông Kỳ, thị trường hàng không của Việt Nam trong nhiều năm qua đã hoạt động dưới quy định về giá trần nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Cụ thể, theo quy định, mức giá vé tối đa 1 chiều cho đường bay kinh tế, xã hội dưới 500 km là 1,6 triệu đồng/vé; 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác. Những đường bay có khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé tối đa 2,2 triệu đồng/vé 1 chiều. Từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa 2,79 triệu đồng/vé. Đường bay từ 1.280 km trở lên, giá tối đa 1 chiều bay 3,75 triệu đồng/vé. Việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền lệ.

Áp giá sàn, nhiều người sẽ mất cơ hội đi máy bay - Ảnh 1.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay vấp phải nhiều phản đối

NTT


Trên thế giới, hiện nay không quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn. Đây được xem là kết quả sau khi các nước chứng kiến các hệ quả của việc triệt tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không. Đơn cử, trong giai đoạn 2016 - 2017, Trung Quốc và Ấn Độ đã quyết định bãi bỏ quy định giá vé tối thiểu cho vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành du lịch quốc gia bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.

Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung - cầu vào từng thời điểm.

"Việc áp dụng giá sàn hoặc giá trần sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành chuyên nghiệp và phát triển dịch vụ của hãng hàng không. Khung giá cũng sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh, khiến vé máy bay về cùng một mức, dần dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không. Từ phía người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Các hãng hàng không giá rẻ (Low Cost Airlines) sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng, trong khi những hãng hàng không nổi tiếng có nhiều dịch vụ trọn gói hơn sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn" - ông Kỳ phân tích.

Cũng theo ông chủ hãng hàng không Vietravel Airlines, nếu cơ quan quản lý Việt Nam đề xuất giá sàn ở mức khá cao sẽ dẫn đến tình trạng các hãng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp. Ngoài ra, việc áp dụng giá sàn vào giá vé máy bay là đi ngược xu hướng phát triển của thế giới khi tự đánh mất tính cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa Việt Nam trên các đường bay quốc tế. Kết quả, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Áp giá sàn, nhiều người sẽ mất cơ hội đi máy bay - Ảnh 2.

Có cạnh tranh mới có vé máy bay giá vài trăm ngàn, dành cho đối tượng người dân có mức sống trung bình

NTT


Khách hàng chịu thiệt

Hiện Bộ GTVT chỉ quy định khung giá trần vé máy bay nội địa, không quy định giá sàn. Đây là lý do các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air thường đưa ra các chính sách giá khuyến mãi 0 đồng vào mùa thấp điểm để kích cầu hoặc các chương trình khuyến mãi giá vé 39.000 đồng hoặc 99.000 đồng/vé (chưa gồm thuế, phí). Đề xuất áp giá sàn nếu được thông qua sẽ chấm dứt cuộc đua giá rẻ, cũng như đặt dấu chấm hết cho khái niệm vé 0 đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, trước đây, trong bối cảnh thị trường hàng không chủ yếu bị chi phối bởi 1 - 2 hãng hàng không, nhà nước buộc phải áp dụng chính sách giá trần để quản lý giá vé, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Sau đó, thị trường hàng không Việt Nam thay đổi với sự tham gia của các hãng hàng không mới, không chỉ khiến các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn phải “so găng” bằng giá. Nhờ vậy mới có vé máy bay giá vài trăm ngàn, dành cho đối tượng người dân có mức sống trung bình.

Thế nhưng, thực tế giá vé máy bay lúc nào cũng ở mức cao, giai đoạn nào các hãng cũng có cớ để không giảm giá và đang dần thiết lập mặt bằng giá mới. Vé các chặng “hot” như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng... "hở ra" là lên mức kịch trần. Điều đó cho thấy dù thị trường có nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của các hãng mới thì khách hàng vẫn chưa được hưởng lợi nhiều về giá vé. Các doanh nghiệp luôn biết cách để đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Nếu bây giờ áp giá sàn, các doanh nghiệp hàng không càng có cớ chính đáng để không giảm giá, chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

“Thị trường đang cạnh tranh, có nhiều sự lựa chọn cho nhiều đối tượng người dân, tự nhiên lại áp giá sàn để cắt dòng cạnh tranh, cắt cơ hội đi máy bay giá rẻ của người tiêu dùng, là quá vô lý. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đang trông chờ phục hồi sau đại dịch, giá vé máy bay tăng sẽ kéo theo giá tour tăng, chi phí du lịch tăng, đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch sau dịch”, ông Bùi Trinh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.