Bảo vật quốc gia: Bảo tượng thứ hai cất giữ kín trong kho

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
27/04/2024 07:08 GMT+7

Ngoài pho tượng Bồ tát Tara bằng đồng được Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cất trong kho, từ rất sớm Ganesha là bức tượng thứ hai cũng cất trong kho và chỉ trưng bày bản sao.

BỨC TƯỢNG ĐỨNG DUY NHẤT

Không phải chờ đến khi tượng Ganesha đứng (ký hiệu BTC 5, ký hiệu cũ 5.1) được công nhận bảo vật quốc gia, pho tượng này mới được đưa vào kho kín để cất giữ. Từ những năm 1980, nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của tác phẩm, những nhà chuyên môn đã cho làm phiên bản để trưng bày nhằm đảm bảo an ninh.

Phiên bản tượng Ganesha đứng đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Phiên bản tượng Ganesha đứng đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Hoàng Sơn

Ông Trần Thanh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho hay hiện bảo tàng có tổng cộng 9 bảo vật quốc gia và trong đó, 2 bảo vật được cất trong kho gồm tượng Bồ tát Tara và tượng Ganesha. "Để đảm bảo an toàn, 2 pho tượng được cất vào kho đặc biệt để bảo quản và chỉ mở vào những dịp đặc biệt", ông Hà nói.

Tượng Ganesha có chất liệu bằng sa thạch; kích thước cao 95 cm, dài 48 cm, rộng 34 cm, niên đại khoảng thế kỷ thứ 7. Tượng do Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) khai quật tại tháp E5 Mỹ Sơn năm 1903 và đưa về bảo tàng năm 1918. Tượng Ganesha được thể hiện dưới hình dáng mình người đầu voi, tạc trong tư thế đứng thẳng, hướng nhìn về phía trước. Hai bàn chân song song đứng trên đế vuông, dưới đế có chốt nhọn để gắn vào bệ thờ. Tượng có 4 tay nhưng hiện chỉ còn tay chính bên trái và tay phụ bên phải, 2 tay còn lại đã bị gãy. Tay trái chính cầm chén cạn, vòi nhúng vào trong chén, tay phải phụ cầm tràng hạt.

Thần Ganesha là một trong những vị thần nổi tiếng được tôn thờ trong các đền thờ Hindu giáo. Trong thần thoại, thần Ganesha được tôn kính rộng rãi, là vị phúc thần có khả năng loại bỏ các chướng ngại vật. Tín đồ Ấn Độ giáo thường cúng một số lễ vật trước tượng thần Ganesha mỗi khi bắt đầu một chuyến đi hay khởi động công việc quan trọng. Ở VN, thần Ganesha có mặt trong 2 nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Hindu giáo là văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo (Phù Nam), dưới những hình tượng điêu khắc rất đẹp.

Đến nay, Ganesha được xem là bức tượng duy nhất thể hiện ở dạng đứng được tìm thấy trong điêu khắc Champa. Các bức tượng Ganesha khác đã phát hiện thường được thể hiện trong tư thế ngồi xếp bằng, như tượng Ganesha ngồi phát hiện tại tháp B3, Mỹ Sơn (năm 1903) hay các tượng Ganesha phát hiện tại Trương Xá (Quảng Trị) và Cẩm Lệ (Đà Nẵng)… Ngoài ra, một số chi tiết trang trí trên thân tượng cũng được thể hiện theo cách thức rất riêng biệt, điển hình, không giống bất cứ tượng Ganesha nào khác được thấy cho đến nay trong nền văn hóa Champa của VN.

HAI LẦN XUẤT NGOẠI

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhớ lại thời ông làm quản thủ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (1978 - 1998), do đánh giá được giá trị của pho tượng Ganesha nên bảo tàng đã mời một nhà điêu khắc làm 2 phiên bản để trưng bày. Bản gốc pho tượng được đưa vào kho để cất giữ nhằm đảm bảo không bị đánh cắp. Theo ông Phương, tượng Ganesha thuộc dạng tượng tròn còn tương đối nguyên vẹn, làm bằng sa thạch xám xanh. Đây là bức tượng có niên đại sớm rất đẹp, tiêu biểu cho cách thức thể hiện Ganesha dạng đứng trong điêu khắc Chăm.

Lý giải thêm việc đến nay bảo tàng vẫn tiếp tục trưng bày phiên bản Ganesha, ông Trần Thanh Hà cho biết với trọng lượng khoảng 120 kg, pho tượng cần được bảo vệ an toàn. "Những bảo vật khác lớn và nặng từ vài tạ đến vài tấn thì có thể cho du khách chiêm ngưỡng được. Riêng tượng đồng Tara và tượng Ganesha chỉ mở cửa khi đón nguyên thủ các quốc gia, phục vụ công tác đối ngoại hoặc các sự kiện đặc biệt khác", ông Hà nói.

Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, pho tượng là hiện vật có giá trị tiêu biểu trong văn hóa, nghệ thuật Champa, là một minh chứng quan trọng cho những minh văn ghi lại sự xuất hiện sớm của Ấn Độ giáo du nhập vào vương quốc Champa nói chung và văn hóa Champa nói riêng ở thế kỷ 7 - 8.

Trong nghiên cứu Ganesha - Từ thần thoại đến điêu khắc, tác giả Nguyễn Hoàng Hương Duyên (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) nhận định đây là tác phẩm có kích thước lớn, độc đáo về mặt tiếu tượng học với đầy đủ các vật biểu trưng (dù hiện nay đã thất lạc), và là minh chứng sinh động cho sự du nhập từ rất sớm của hình tượng Ganesha vào Đông Nam Á nói chung và Champa nói riêng.

Theo tác giả này, do tầm quan trọng của pho tượng trong văn hóa, tôn giáo Champa và sự độc đáo, quý hiếm về mặt tiếu tượng học, tượng đã được chọn trưng bày ở nhiều triển lãm quốc tế như triển lãm Kho tàng nghệ thuật VN: điêu khắc Champa tại Bảo tàng Guimet, Pháp (2005 - 2006), triển lãm Những vương quốc đã mất: tác phẩm điêu khắc Ấn Độ giáo - Phật giáo ở Đông Nam Á thời kỳ đầu tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ (2014).

"Trên hết, tuyệt tác này xứng tầm là bảo vật quốc gia của VN, thu hút sự chú ý của nhiều du khách khi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng", tác giả Nguyễn Hoàng Hương Duyên nhấn mạnh. (còn tiếp) 

Nên trưng bày "đồ thật"

Nhận định xem hiện vật mà chỉ xem phiên bản thì như "ăn cơm mà trúng phải hạt sạn", nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng với sự phát triển công nghệ giám sát, an ninh như hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nên đưa 2 bảo vật là tượng Bồ tát Tara và Ganesha ra trưng bày để công chúng thưởng lãm.

"Riêng tượng Bồ tát Tara, với cuộc hoàn nguyên lịch sử vào năm 2023 khi 2 vật cầm tay của Bồ tát là đóa sen và con ốc sau nhiều năm cất giữ ở Quảng Nam mới trở về, bảo tàng có thể trưng bày tất cả hiện vật bên cạnh một bản vẽ minh họa đầy đủ về bức tượng. Nếu chưa an tâm, có thể bỏ các bảo vật trong lồng kính dày để chống trộm", ông Phương gợi ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.