Bảo vật quốc gia: Những chiếc đĩa của nhà sưu tập Trần Đình Thăng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/02/2023 07:26 GMT+7

Nhà sưu tập Trần Đình Thăng có 3 chiếc đĩa được công nhận bảo vật quốc gia trong đợt công nhận năm 2022.

HAI CHIẾC ĐĨA GỐM MEN THỜI LÝ

Hai chiếc đĩa gốm men ngọc trong sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng, còn có tên khác là cặp đĩa gốm men ngọc thế kỷ 12 - 13, vừa được công nhận bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trần Đình Thăng, TP.Hải Phòng. Cả hai từng được giới thiệu trong sách Cổ vật Hải Phòng.

Chiếc thứ nhất có miệng loe, thành cong, chân đế thấp, đáy lõm để mộc. Phần cốt lộ không men có màu sét xám (còn gọi là cốt trắng khoai sọ). Thành ngoài đĩa còn để lại nhiều đường chỉ chìm, dấu vết của kỹ thuật vuốt tay trên bàn xoay. Trang trí lòng đĩa giới hạn trong 2 đường chỉ chìm là băng hoa lá mẫu đơn, in chìm dưới men gồm 3 bông hoa thể hiện theo thế bổ dọc, xen giữa 2 cành lá gần giống lá dương xỉ là 3 hình "em bé của thế giới cực lạc". Chính giữa lòng đĩa in nổi một cành hoa mẫu đơn. Lớp men ngọc phủ kín trong lòng và thành ngoài đĩa màu vàng xanh nhạt, có thể gọi là màu "nước dưa".

Chiếc đĩa thứ hai có cùng kiểu dáng, trang trí và màu men tương tự chiếc đĩa thứ nhất. Điểm khác duy nhất là dưới đáy đĩa này còn dính dấu vết bàn kê và giáp chân đế có 2 dấu phết men nâu. Phần trang trí băng hoa lá mẫu đơn và 3 hình "em bé của thế giới cực lạc" giống y chiếc đĩa thứ nhất, phản ánh cùng được in từ một khuôn khi sản xuất.

Hồ sơ bảo vật cho biết sau khi đối chiếu so sánh, các nhà nghiên cứu cho rằng hai hiện vật này là của thời Lý. Đối chiếu với các kết quả khai quật khảo cổ học tại khu Hoàng thành Thăng Long, hai chiếc đĩa gốm men ngọc trong sưu tập cổ vật An Biên cũng có nhiều đặc điểm tương đồng về xương gốm, kiểu dáng, hoa văn trang trí và lớp men phủ với gốm men ngọc thời Lý. Từ việc so sánh cho phép xác định hai chiếc đĩa gốm men ngọc trong sưu tập An Biên này được sản xuất tại lò gốm của kinh thành Thăng Long, để phục vụ hoàng gia.

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao sự độc đáo của hai chiếc đĩa. Theo đó, tuy kiểu dáng đĩa thuộc loại hình phổ biến, lòng đĩa mang dấu vết kỹ thuật sản xuất đặc trưng ở thời Lý, nhưng lớp men phủ và hoa văn hoa lá mẫu đơn, 3 hình "em bé của thế giới cực lạc" in nổi trong lòng đĩa chưa từng gặp trong các sưu tập cũng như bảo tàng VN. Chúng cũng thể hiện trình độ cao của người thợ khi làm chủ được kỹ thuật nung, để cho ra đời những chiếc đĩa có kích thước lớn, không bị cong vênh, nứt vỡ. Căn cứ vào hình dáng, kích thước và hoa văn trang trí tỉ mỉ, tinh xảo, đề tài mang tính Phật giáo, các nhà khoa học cũng cho rằng đĩa là vật dụng dùng trong việc thực hiện nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo gắn với Hoàng cung thời Lý.

Bảo vật quốc gia: Những chiếc đĩa của nhà sưu tập Trần Đình Thăng - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia: Những chiếc đĩa của nhà sưu tập Trần Đình Thăng - Ảnh 2.

Đĩa gốm men thời Lý của sưu tập An Biên - Hải Phòng; trong lòng đĩa có hoa văn “em bé của thế giới cực lạc”, thể hiện văn hóa Phật giáo

Tư liệu Cục Di sản văn hóa

CHIẾC ĐĨA MEN LAM TÍM THỜI LÊ

Đĩa gốm men lam tím trong Sưu tập cổ vật An Biên - Hải Phòng vừa trở thành bảo vật quốc gia là chiếc đĩa gốm men lam tím vẽ vàng kim trên men qua lần nung thứ hai. Đĩa có trang trí vàng kim như một loại men độc sắc. Các hoa văn trang trí đến nay tuy nhiều chỗ mòn mờ nhưng mang đặc trưng rõ rệt của đồ gốm thời Lê Sơ như băng cánh hoa đặc trưng, hoa lan, băng dây hoa mai, băng cánh sen kép, bên trong vẽ nửa bông hoa và dải xoắn ốc.

Theo Hội đồng Di sản quốc gia, loại men phủ và kiểu trang trí của chiếc đĩa này còn tương đồng với các loại ấm, bình tỳ bà, hộp gốm trong tàu cổ Cù Lao Chàm, nhưng đây là chiếc đĩa độc bản, chưa từng gặp chiếc đĩa thứ hai tại các bảo tàng, các di tích hay trong các bộ sưu tập tư nhân tại VN.

Theo hồ sơ bảo vật, chiếc đĩa gốm này thể hiện các đề tài đặc trưng của đồ gốm thời Lê Sơ với kỹ thuật điêu luyện. Kỹ thuật vẽ men trên gốm này mềm mại, điêu luyện, có thể sánh ngang với loại đồ gốm thúy lam thời Minh, thế kỷ 15. Người ta cho rằng đây là một đĩa gốm men cao cấp của lò gốm Thăng Long, phản ánh thuộc dòng đồ gốm phục vụ Hoàng cung và xuất khẩu hay quà tặng biếu của Hoàng gia thời Lê Sơ.

Đây cũng là thời kỳ phát triển đỉnh cao của gốm Việt. Nghề sản xuất gốm thời này xuất hiện lò Quan ở Kinh đô Thăng Long, tập trung nhiều thợ giỏi trong các Ngự xưởng. Sản phẩm gốm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, từ cung đình đến dân gian mà còn xuất khẩu sang nhiều nước ở Tây Á, Trung Cận đông và Nhật Bản.

Theo hồ sơ, chiếc đĩa gốm men lam tím vẽ vàng kim trên men này phản ánh kỹ thuật vẽ tinh tế, điêu luyện, trên một tác phẩm gốm vừa huyền ảo, vừa sang quý mang tính chất cung đình, chứng tỏ trình độ phát triển vượt bậc của gốm Đại Việt dưới thời Lê Sơ, thế kỷ 15.

Kỹ thuật sử dụng men lam tím vẽ trang trí vàng kim trên men qua lần nung thứ hai là một hiện tượng đột phá, tạo nên một khuynh hướng, một phong cách mới trong sản xuất gốm sứ cao cấp phục vụ hoàng cung thời Lê Sơ. Chiếc đĩa gốm này còn là tài liệu chuẩn góp phần so sánh đối chiếu xác định niên đại cho nhiều hiện vật gốm men lam tím cùng thời.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.