Bóng đá Việt Nam và bê bối ma túy: Hiểm họa khôn lường

10/05/2024 07:37 GMT+7

Vụ việc 5 cầu thủ CLB Hà Tĩnh bị bắt vì liên quan ma túy chỉ mới là phần nổi của tảng băng, cho thấy công tác quản lý, kiểm tra từ các CLB vẫn rất lỏng lẻo.

KHI CẦU THỦ LÀ ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ CÁM DỖ

Bóng đá VN thời bao cấp và khi mới chuyển sang chuyên nghiệp, hình ảnh ban huấn luyện… bắc ghế ngồi đầu hành lang hoặc lối lên xuống khách sạn để điểm danh cầu thủ rất phổ biến. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với việc thu nạp kiến thức mới của bóng đá thế giới, công tác quản lý ở các CLB trở nên thoáng hơn. Các HLV cũng không còn chăm chăm "thiết quân luật" như trước nữa, mà để các cầu thủ có nhiều không gian hơn dành cho bạn bè, người thân.

Về cơ bản, bóng đá chuyên nghiệp vận hành theo yếu tố tự giác cạnh tranh, mỗi cầu thủ sẽ phải tự ý thức giữ gìn sức khỏe, chọn lọc các mối quan hệ cho riêng mình để có cơ hội ra sân. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra những cám dỗ từ các mặt trái xã hội nhắm đến bóng đá là rất lớn và khó ngăn chặn. Trong số này, các cầu thủ dễ bị tiếp cận nhất. Cộng thêm sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp thu hẹp rất nhanh các hình thức liên lạc, nên việc quản lý ở các đội bóng càng khó hơn.

Cầu thủ từng là tượng đài về lối sống, về năng lực chuyên môn - Quả bóng vàng VN năm 2017 Đinh Thanh Trung, dính bê bối lớn vì ma túy

Cầu thủ từng là tượng đài về lối sống, về năng lực chuyên môn - Quả bóng vàng VN năm 2017 Đinh Thanh Trung, dính bê bối lớn vì ma túy

NGỌC LINH

Một số CLB còn xem nhẹ việc giám sát, nhắc nhở sinh hoạt ngoài sân cỏ của cầu thủ. Trường hợp của CLB Hà Tĩnh là một ví dụ. Công an Hà Tĩnh bắt quả tang 10 người, trong đó có 5 cầu thủ, đang sử dụng trái phép ma túy tại khách sạn B.M trên địa bàn, chính là nơi ở cũ của đội bóng. Sau này CLB Hà Tĩnh đã chuyển đại bản doanh đi nơi khác, nhưng nguồn tin của Thanh Niên cho hay, một số cầu thủ vẫn chọn địa điểm này để "sinh hoạt" ngoài luồng. Nhưng lãnh đạo đội, ban huấn luyện liệu có biết?

QUYẾT LIỆT PHỐI HỢP KIỂM TRA, GIÁM SÁT CHẶT CHẼ

Một thực tế rất đáng lo ngại là việc cầu thủ tổ chức sử dụng ma túy ở khách sạn hay đại bản doanh của đội bóng cũng đã từng xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn và tiếp tục tái diễn. Giới bóng đá vẫn lan truyền một số trường hợp cầu thủ, HLV được bạn bè trong giới showbiz, hoặc dân anh chị xã hội rủ về nhà, hay thuê phòng sử dụng ma túy cho… vui. Chuyện cầu thủ thi thoảng bị bắt khi đang sử dụng ma túy đã xuất hiện từ đầu những năm 2000, kéo dài đến tận bây giờ.

Năm 2007-2008, nhiều cầu thủ khoác áo các CLB ở khu vực miền Bắc, miền Trung từng bị phát hiện tàng trữ, sử dụng ma túy. Thậm chí có người còn bị khởi tố. Nhưng đó chỉ là những trường hợp… bị lộ. Ma túy vẫn như bóng ma âm thầm tồn tại trong lòng bóng đá VN. Khi sự việc bị bại lộ, đa phần các CLB thường tìm cách giữ kín để không ảnh hưởng đến hình ảnh đội bóng và một phần vì thương cầu thủ, cho đến khi công an vào cuộc quyết liệt như ở Hà Tĩnh mới vỡ lở. Mùa bóng này, có ít nhất 2 CLB thanh lý hợp đồng với các cựu tuyển thủ quốc gia tuổi còn trẻ vì phát hiện liên quan đến ma túy.

Rõ ràng, trách nhiệm quản lý, định hướng ý thức cầu thủ phần lớn thuộc về các CLB. Nhưng không thể không nói đến vai trò còn mờ nhạt của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá VN (VPF), hay cao hơn là của ngành thể thao. Lỗ hổng giám sát rất lớn đã gây ra hệ lụy khôn lường.

Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các cầu thủ đội Hà Tĩnh có nguy cơ vướng vào vòng lao lý. Để những bê bối tương tự đó không còn xảy ra, ngành thể thao cũng cần thể hiện vai trò đầu tàu của mình, tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa VFF, VPF và các CLB, thậm chí các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Y tế... Cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, giám sát và nhắc nhở các thành phần bóng đá từ cầu thủ, HLV đến trọng tài… Phải tiến hành kiểm tra một cách thực sự, không phải "vẽ" ra việc để đối phó, để làm đẹp bản báo cáo cuối mùa. Việc các CLB chủ động kiểm tra cầu thủ có sử dụng chất cấm hay không cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Thực trạng ma túy trong bóng đá VN đã là hiểm họa rất rõ ràng rồi, để ngăn chặn cần tất cả các cấp cùng nhau vào cuộc, chung tay loại trừ một cách quyết liệt. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.