Ứng phó với biến đổi khí hậu từ… rào cọc tre

28/10/2013 09:50 GMT+7

Tái sinh rừng ngập mặn, ngăn chặn xói lở bờ biển... đang là vấn đề toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Biến đổi khí hậu
Rào chắn sóng bằng cọc tre cắm theo hình chữ T tại khu vực bờ biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu)  - Ảnh: Đình Tuyển

Liên kết để ứng phó

 Tại diễn đàn “Vùng Duyên hải” lần 2, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức tại Sóc Trăng vừa qua, những cảnh báo đáng sợ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) được đưa ra bàn luận.

Ông Vũ Sỹ Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nói: “10% dân số Việt Nam không có nhà ở; hơn 40.000 km2 vùng đồng bằng ven biển Việt Nam, trong đó khoảng 90% diện tích ĐBSCL sẽ ngập trong nước. Những điều này có thể xảy ra khi nhiệt độ trái đất tăng 30C,  mực nước biển dâng lên 1 m vào khoảng năm 2100”. 

BĐKH hiện không chỉ ảnh hưởng đến một nước, một khu vực mà là nguy cơ toàn cầu. Đây chính là lý do IUCN chọn triển khai dự án (DA) “Cải thiện sức chống chịu với tác động của BĐKH tại vùng ven biển Đông Nam Á” ở 8 tỉnh, thành gồm: Chanthaburi, Trat (Thái Lan); Koh Kong, Kampot (Campuchia); Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và H.Cần Giờ (TP.HCM) của Việt Nam. Đây là những địa phương có bờ biển gần nhau và điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng. TS Robert Mather, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của IUCN, cho rằng: “Cộng đồng ven biển tại 3 nước trên đang phải đối mặt với những vấn đề giống nhau do BĐKH gây ra nên phải liên kết để tìm cách thích ứng với những thay đổi”. 

Giải pháp cọc tre

DA “Cải thiện sức chống chịu với tác động của BĐKH tại vùng ven biển Đông Nam Á” hướng đến những giải pháp “mềm” dựa vào thiên nhiên, hệ sinh thái để ứng phó với BĐKH. Sau 2 năm thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Quỹ Phát triển bền vững (SDF) và các cơ quan chức năng sở tại, IUCN đã triển khai hơn 30 DA thí điểm theo đặc thù mỗi quốc gia. Nhiều giải pháp dựa vào thiên nhiên để ứng phó với BĐKH như: phục hồi và quản lý rừng ngập mặn, chống xói lở, bảo tồn rừng ngập mặn kết hợp với nuôi thủy sản… đã khẳng định được hiệu quả. Trong đó giải pháp hữu hiệu nhất là rào chắn sóng hình chữ T bằng cọc tre của Thái Lan hiện đang được thí điểm tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng.

 Biến đổi khí hậu 2
Bà Bianca Schlegel so sánh khu vực bãi biển bị xói mòn đã được tái sinh sau18 tháng rào cọc tre - Ảnh: Đình Tuyển

Bà Bianca Schlegel, cán bộ kỹ thuật của DA rào cọc tre tại Bạc Liêu, cho biết: “Kinh phí cho 1 m rào chắn sóng chữ T chỉ khoảng 60 USD nhưng đảm bảo độ bền đến 4 năm. Đặc điểm nổi bật của rào chắn sóng này là làm giảm 60% năng lượng sóng biển khi đi qua và rất hiệu quả trong việc giữ lại phù sa, bồi lắng cho những bãi biển đã bị xói mòn”. Thực tế, những rào chắn sóng bằng cọc tre cắm hình chữ T tại bờ biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu) đã chứng minh chỉ sau 18 tháng, khu vực bãi biển xói lở, quanh năm ngập nước (từ xã Vĩnh Trạch Đông đến xã Hiệp Thành) đã được bồi lắng và phủ xanh bằng rừng mắm rộng gần 2,5 ha lấn ra biến gần 300 m. Ông Phan Văn Hoàng, điều phối viên DA tại Bạc Liêu, nói: “Điều đặc biệt là khi rừng ngập mặn đã xanh tốt thì những hàng rào tre này cũng đến lúc mục nát nên không cần phải tu bổ hay dọn dẹp”.

Tại Kiên Giang, các DA thí điểm cắm rào chắn sóng bằng cừ tràm thay cho tre cũng đang được thí điểm và mang lại hiệu quả “kép”, vừa bảo vệ bờ biển vừa giúp dân tiêu thụ cừ tràm.

Đình Tuyển

>> Cà Mau ứng phó với biến đổi khí hậu
>> Xây dựng một chiến dịch về chống biến đổi khí hậu
>> Nỗ lực bảo tồn vùng ven biển trước biến đổi khí hậu
>> Việt Nam có thêm 30 triệu USD ứng phó với biến đổi khí hậu
>> Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 12% sản lượng gạo cả nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.