Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 7: Cơ hội cải cách

17/10/2013 03:05 GMT+7

12 quốc gia với trên 790 triệu dân, có tổng GDP trên 27.000 tỉ USD, đóng góp 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu, đó là những con số đầy hấp lực của TPP. Nhưng VN có thể khai thác cơ hội này như thế nào?

 Cơ hội cải cách
VN cần chủ động chuẩn bị thật kỹ mới có thể khai thác tốt các cơ hội từ TPP - Ảnh: Nguyên Nga

Có một tâm lý hiện nay là kỳ vọng TPP sẽ giúp khôi phục kinh tế VN bị trì trệ một thời gian dài. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đồng ý rằng đây là một cơ hội lớn đối với nền kinh tế nước ta, nhưng với điều kiện “Nhà nước có những bước đi chủ động chuẩn bị đón nhận cơ hội”. Bởi gia nhập TPP, bên cạnh thuận lợi còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua, trong đó khó khăn lớn nhất, theo ông Thành, là “chúng ta chủ yếu là làm gia công và nguyên liệu nhập đến 80% thì làm sao đáp ứng yêu cầu nội địa hóa để có thể đưa hàng vào các nước sau khi tham gia TPP?”. Hàng hóa xuất khẩu của VN nhìn chung chưa đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ trong TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan 0%. Đồng quan điểm này, TS luật Phạm Văn Chắt, Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích: “Thách thức của TPP là sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gia tăng. Đặc biệt đối với nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu do quy định về xuất xứ của TPP. Yêu cầu tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nhiều lĩnh vực sẽ làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là khó khăn cần phải vượt qua”.

Riêng đối với ngành hàng nông sản, theo ông Thành, vấn đề còn nan giải hơn bởi lâu nay chúng ta đã không tận dụng tốt thị trường Mỹ, dù thị trường này hiện chiếm khoảng 17 - 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN. Thực tế, sau ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), thị trường Mỹ khá quan tâm đến hàng hóa VN. Thế nhưng do một số doanh nghiệp làm hàng không tốt, mất uy tín, từ đó ta mất niềm tin từ các “thượng đế” của thị trường lớn này. “Không vướng quy định về xuất xứ như hàng dệt may, nhưng chúng ta đã không vượt qua được các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch, dư lượng kháng sinh, quy định về nhãn mác. Những cái này không khó để khắc phục nếu như ta có cơ quan kiểm định thật khắt khe, đủ tài và tâm từ khi sản phẩm còn ở khâu nguyên liệu”, ông Thành nói. Đó cũng là vấn đề mà hàng xuất khẩu VN gặp phải đối với các thị trường lớn khác như Nhật, Canada, châu u...

Trong một nghiên cứu của Giáo sư Peter Petri (Đại học Brandeis, Mỹ) đánh giá VN sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, đánh giá này hơi đề cao lợi ích và hạ thấp tác động lên thương mại và đầu tư, bởi không thể tính được những chuyển biến của thể chế, cải cách chính sách trong nước hỗ trợ cho quá trình này. “Theo tôi, với TPP là vấn đề liên quan đến chính sách sau biên giới chứ không phải những cái đạt được tại bàn đàm phán”, ông Thành nói.

Những chính sách sau biên giới, theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP, là sự minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước… Nhiều chuyên gia kinh tế khác nhận định những yêu cầu đó của TPP sẽ trở thành bộ lọc cho nền kinh tế VN. TS Võ Trí Thành kỳ vọng: “Hy vọng TPP không chỉ tạo ra cú hích mới, mở ra cơ hội mới để hoạt động thương mại kinh doanh đầu tư theo hướng trách nhiệm mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, cải cách môi trường đầu tư nhằm tăng sức hút đầu tư vào VN”.

Mong TPP sẽ là cú hích

TPP là hiệp định đa phương giữa 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, VN và Nhật Bản. Đến nay, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư và các vấn đề về môi trường, lao động, chống tham nhũng...

Trong một buổi tọa đàm về TPP tại TP.HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ví von: "Với BTA thì chúng ta từ đáy dốc đi lên, còn vào WTO rồi thì chúng ta từ đỉnh dốc đi xuống. Hiện chúng ta đang ở đáy dốc rồi nên mong muốn của tôi TPP sẽ là cú hích mới như BTA chứ không phải theo kiểu của WTO".

Nguyên Nga - Mai Phương

>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 6: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thép
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 5: Xuất khẩu gạo phấn khởi, chăn nuôi lo âu
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 4: Nguy cơ mất thị trường thời trang
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 3: Thuế giảm, 'bẫy' phi thuế quan tăng
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 2: Khốc liệt thị trường bia, nước giải khát
>> Chạy đua đón đầu TPP
>> Thúc đẩy TPP ở APEC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.