Trung Quốc ồ ạt đóng giàn khoan

04/06/2014 12:55 GMT+7

(TNO) Không dừng lại ở giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) đang hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc còn đang tiếp tục hoàn thiện thêm ba giàn khoan hiện đại khác trong năm tới, như một công cụ đắc lực phục vụ cho tham vọng bá quyền trên biển Đông.

(TNO) Không dừng lại ở giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) đang hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc còn đang tiếp tục hoàn thiện thêm ba giàn khoan hiện đại khác trong năm tới, như một công cụ đắc lực phục vụ cho tham vọng bá quyền trên biển Đông.

Trung Quốc tiếp tục mở rộng âm mưu xâm lấn biển Đông
Giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đang hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, với hàng rào tàu chiến và tàu hải giám vây xung quanh - Ảnh: Reuters

Ngày 30.10.2013, Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải, Công ty TNHH công trình Hải Dương thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Đại Liên, và Công ty TNHH công nghiệp nặng Thâm Quyến đã lần lượt ký hợp đồng đóng thêm ba giàn khoan dầu mới là Hải Dương - 982, 943 và 944 với tổng trị giá 6,65 tỉ tệ (khoảng 1 tỉ USD), theo báo mạng Hải Dương Trung Quốc (ocean.china.com.cn).

Trong đó giàn khoan Hải Dương - 982 sẽ được thiết kế là một giàn khoan nước sâu nửa chìm nửa nổi thế hệ mới, đáp ứng được mọi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trên biển Đông.

Với tuổi thọ dự tính 25 năm, giàn khoan Hải Dương - 982 được thiết kế phù hợp hoạt động ở độ sâu tới 1.500 m ở mọi vùng biển trên thế giới, khoan sâu tối đa tới 9.144 m, mang hệ thống định vị động lực DP3, và dự tính sẽ được bàn giao vào tháng 8.2016.

Giàn khoan Hải Dương - 943 sẽ được thiết kế là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, và có thể khoan sâu tối đa tới 10.668 m.

Giàn khoan Hải Dương - 944 cũng sẽ được thiết kế là giàn khoan tự nâng, chủ yếu hoạt động ở các khu vực đất mềm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, có thể khoan sâu tối đa tới 9.144 m. Hai giàn khoan Hải Dương - 943 và Hải Dương - 944 dự kiến sẽ lần lượt được hoàn thiện vào tháng 9 và tháng 10.2015.

Ông Lý Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL), cho hay ba giàn khoan mới này sẽ giúp COSL nâng cao năng lực tác nghiệp ở khu vực nước sâu và vùng biển đặc thù.

Sau khi thông tin về ba giàn khoan này vừa được tung ra, cư dân mạng Trung Quốc trên các diễn đàn như bbs.tianya.cn đã nô nức bình phẩm như: “4 giàn khoan là chưa đủ, cần đóng thêm”, “nếu Đài Loan chịu nhập vào đại lục thì tặng cho Đài Loan một giàn khoan”…

Trước đó, tháng 8.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân tới thăm Công ty công trình Hải Dương, Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Trung Quốc. Đây cũng là một trong những đơn vị xây dựng công trình hàng hải mạnh nhất nước này.

Năm 2009, công ty này đã chuyển giao giàn khoan nước sâu thuộc thế hệ thứ 6 quốc tế của công ty Nobel (Mỹ) với độ sâu hoạt động 3.000 m, độ khoan sâu tới 10.000 m. Dự án này đã được tặng giải nhất về tiến bộ khoa học kỹ thuật do Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc cấp.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đầu tư mạnh vào nhiều công ty công nghiệp đóng tàu khác như công ty đóng tàu Vũ Hán, Sơn Hải…

Lucy Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.