Làng gốm Lò Lu

21/10/2013 10:08 GMT+7

Không biết từ bao giờ, người dân xã Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) lại có cái tên gọi Lò Lu. Để rồi vào năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương quyết định đổi tên thành đường Lò Lu- nơi tập trung hàng chục lò gốm truyền thống, sản xuất bằng phương pháp thủ công.

Làng gốm Lò Lu
Gốm sau khi được tạo hình

 

Làm gốm theo phương pháp thủ công thì không thể giàu và phất lên được mà chỉ đủ sống lai rai

Ông Bùi Văn Giang (57 tuổi, chủ lò gốm Đại Hưng)

Chúng tôi đến thăm lò gốm Đại Hưng, nằm ngay ngã tư Lò Lu (tên gọi đã có trên 100 năm nay ở xã Tương Bình Hiệp), là lò gốm lâu đời nhất ở TP. Thủ Dầu Một, được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngay từ cổng vào của lò gốm Đại Hưng, 2 bên đường chất đầy, san sát những cái lu, khạp, hũ, chum, vại…. Phía bên trong, hàng chục thợ gốm đang cần mẫn như những chú ong tò vò tạo ra những sản phẩm gốm với nhiều hình dáng khác nhau. Ông Bùi Văn Giang (57 tuổi, chủ lò gốm Đại Hưng) chia sẻ: “Làm gốm theo phương pháp thủ công thì không thể giàu và phất lên được mà chỉ đủ sống lai rai”. Ông Giang giải thích, làm gốm thủ công chỉ là để giữ nghề mà cha ông truyền lại. Mặt khác, cả gia đình ông Giang gồm nhiều anh em ruột đã gắn bó với lò gốm này từ năm 15 tuổi. Đến nay, như người anh thứ ba của ông Giang đã 77 tuổi rồi, thế nhưng ngày nào cũng vào lò gốm làm đều đặn: “Nghỉ một ngày là nhớ gốm một ngày, đứng ngồi không yên”, ông Giang nói.

Lò gốm Đại Hưng đến nay đã truyền đến đời ông Giang làm chủ là đời thứ 6 với tổng cộng trên 150 năm. Sản phẩm gốm của lò Đại Hưng nói riêng và gốm Lò Lu nói chung có mặt khắp cả tỉnh miền Tây, miền Trung và Đông Nam bộ. Trên những kênh, rạch từ xã Tương Bình Hiệp ra sông Sài Gòn lúc nào cũng tấp nập “trên bến, dưới thuyền” chở lu, khạp, hũ… xuất đi các tỉnh. Trung bình mỗi tháng, chỉ tính nguyên ở lò gốm Đại Hưng sản xuất ra trên 1.500 sản phẩm gốm, để phục vụ đời sống dân sinh.

Làng gốm Lò Lu
 Tráng men lót

Theo ông Giang, mỗi một sản phẩm gốm ra đời là cả một quá trình có đầy đủ các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đất (Thổ) để làm gốm được lấy ở nhiều nơi trên địa bàn Bình Dương và phải là đất cát pha sỏi non. Sau đó, đất được nhào trộn, ngâm với nước (Thủy) rồi được ủ từ 5-7 ngày cho mềm ra trước khi đưa vào máy (Kim) nhào, trộn, cán nhuyễn. Ở khâu tiếp theo, người thợ sẽ mang đất nhồi, cắt thành từng miếng và tạo ra hình gốm như lu, khạp… Sau khi đã tạo hình, gốm được đưa ra phơi dưới trời nắng cho khô và được tráng một lớp men (được làm từ bột đá, vôi, tro… đánh bằng máy liên tục trong 72 giờ). Tiếp theo, gốm được đưa vào lò nung đốt bằng củi khô (Mộc) ở nhiệt độ từ 1.200 đến 1.400 độ C (Hỏa) cho đến khi lớp men ở bên ngoài nóng chảy bóng láng như mỡ thì bớt lửa cho đến khi gốm nguội thì ra lò được. Để có được một sản phẩm gốm chất lượng, ông Giang cho biết người thợ lửa có yếu tố quyết định. Trong suốt quá trình nung gốm, người thợ lửa phải túc trực liên tục để giữ ổn định nhiệt độ và châm củi thêm cho đúng lúc. Mỗi lò gốm truyền thống thường phải sử dụng từ 6- 10 thợ lửa, tùy theo công suất.

Làng gốm Lò Lu
Gốm được đưa vào lò nung

Bài, ảnh: Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.