Tôn sư trọng đạo 2.0

20/11/2013 02:35 GMT+7

Một nhà giáo đứng tuổi tham gia Facebook ẩn danh với mong muốn ban đầu là để hiểu thêm học trò mình, nhưng dần dà, qua giao tiếp trên mạng, ông học được nhiều điều thú vị về chuyên môn và tin học từ một bạn trẻ cũng ẩn danh. Nhân 20.11, ông hẹn bạn ấy cà phê để cảm ơn. Chuyện thật bất ngờ: bạn ảo ấy chính là học trò cũ, giờ đã là kỹ sư.

Hôm qua, người học trò ấy cùng bạn bè đến thăm ông như thông lệ nhiều năm rồi.

Câu chuyện ấy không cá biệt. Người học hôm nay có quá nhiều kênh để tiếp cận tri thức nhân loại: từ CD, sách điện tử (e-book), YouTube, hay các lớp học từ xa, những người bạn trên internet.

Thời phong kiến, thầy hầu như là người duy nhất mang đến tri thức cho học trò. Ngày nay, sự cộng tác đại chúng qua môi trường toàn cầu cho thấy, người đứng lớp không thể độc quyền truyền bá tri thức, độc quyền chân lý. Mặt khác, tri thức luôn vận động và phát triển: Những điều hôm qua là chân lý, nay có thể chứng minh là sai lầm. Tri thức hiện đại được tương tác, chia sẻ từ nhiều nguồn, nhiều kênh. Tất nhiên, dạy học không chỉ là cung cấp tri thức, kỹ năng mà còn trao gửi phương pháp, phong cách và nhân cách.

Thời đại số cho phép người học hôm nay có cơ hội tìm kiếm nhiều nguồn thông tin để làm quen với thao tác phản biện khoa học. Giữa xa lộ thông tin toàn cầu hóa, người thầy giáo giỏi và tận tâm hôm nay không thể như kỵ mã: che mắt và dùng roi quất con ngựa để nó phải đi theo ý mình vì sợ bị chi phối hình ảnh hai bên đường với những quán nhậu, nhà sách, bia ôm... Phải dắt nó đi, giải thích cho nó hiểu, gợi ý cho nó làm.

Những ngày này, hoa tươi rực rỡ các giảng đường, lớp học và nhà riêng thầy cô giáo. Học sinh, sinh viên nhiều thế hệ tổ chức đi thăm thầy cô cũ. Lời chúc 20.11 tràn ngập trên internet và hệ thống tin nhắn. Với người Việt Nam, lòng hiếu học và biết ơn người có công dạy dỗ mình - dù “nửa chữ” - vừa là bổn phận vừa là tấm lòng. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” ấy xuất phát từ nhu cầu trọng trí tuệ trong cuộc đấu tranh để tồn tại và phát triển từ xưa đến nay.

Nhưng nội hàm của những khái niệm cũ luôn thay đổi trước thực tiễn phát triển. Xã hội học tập hôm nay đòi hỏi phải xây dựng tinh thần tôn sư trọng đạo theo cách mới, phiên bản 2.0.

Người thầy phải là bà đỡ giúp học trò chủ động tiếp cận tri thức, rèn luyện phẩm chất tư duy, xây dựng nhân cách trên tinh thần dân chủ. Học vẹt, học tủ, văn mẫu, lối dạy áp đặt... sẽ không còn nếu nhà trường thực sự dân chủ hóa. Tinh thần dân chủ phải xuất phát từ chính các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục. Bởi học đường không dân chủ thì khó mà có một xã hội dân chủ, khó huy động được sức phát minh, sáng tạo. Dân chủ hóa môi trường giáo dục hoàn toàn không mâu thuẫn với tinh thần tôn sư trọng đạo.

Tôn sư trọng đạo hôm nay chính là tôn vinh trí tuệ và hiền tài. Sự tôn vinh ấy không phải đến từ những bó hoa hay lời chúc, mà phải bắt đầu từ cách ứng xử với trí thức - nhân tố then chốt để cạnh tranh và phát triển đất nước trên hành trình hội nhập.

Phan Văn Tú
(Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.