Không quân Mỹ đình chỉ 2 chỉ huy sau vụ rò rỉ tài liệu mật

27/04/2023 10:00 GMT+7

Không quân Mỹ đã đình chỉ chức vụ hai chỉ huy của đơn vị Vệ binh Quốc gia, nơi nghi phạm rò rỉ tài liệu mật Jack Teixeira phục vụ.

Một phát ngôn viên của Không quân Mỹ ngày 26.4 cho biết lực lượng đã đình chỉ chức vụ của chỉ huy tác chiến và chỉ huy phân đội thuộc Đơn vị tình báo 102, nơi Teixeira phục vụ. Danh tính của hai chỉ huy này không được công bố.

Không quân Mỹ đình chỉ 2 chỉ huy sau vụ rò rỉ tài liệu mật - Ảnh 1.

Jack Teixeira bị bắt tại Massachusetts hôm 13.4

REUTERS

Theo Reuters, hai vị này sẽ bị đình chỉ chức vụ trong thời gian Tổng thanh tra không quân điều tra, đồng thời tạm thời bị tước quyền truy cập hệ thống và thông tin mật.

Jack Teixeira (21 tuổi) đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt vào hôm 13.4 tại bang Massachutsetts và đã bị buộc tội vi phạm Đạo luật gián điệp. Các công tố viên cho rằng Teixeira đã rò rỉ tài liệu mật lên một nhóm trò chuyện của các game thủ trên ứng dụng nhắn tin Discord.

Hàng loạt thông tin mật về xung đột Ukraine đã được nghi phạm rò rỉ trong hàng tháng trời. Bên cạnh đó, còn có nhiều tài liệu liên quan các đồng minh của Mỹ như Israel, Hàn Quốc.

Đây được coi là vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất tại Mỹ từ năm 2010, khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao bị tung lên website WikiLeaks.

Toàn cảnh vụ rò rỉ tài liệu tình báo mật gây rúng động Mỹ, đồng minh và đối thủ

Giới chuyên gia tư pháp cho rằng Teixeira có thể hứng chịu thêm cáo buộc khác khi bằng chứng được trình ra trước đại bồi thẩm đoàn. Nếu bị kết tội vi phạm Đạo luật gián điệp, nghi phạm có thể đối diện bản án lên đến 10 năm tù. Teixeira đang bị tạm giam chờ ra tòa.

Liên quan vụ rò rỉ, sĩ quan chỉ huy công nghệ của Hải quân Mỹ Don Yeske cho rằng nếu Lầu Năm Góc áp dụng mô hình bảo mật không tin cậy (zero trust) thì có lẽ đã phát hiện sớm vụ rò rỉ.

"Mục đích chính của zero trust là không bao giờ tin cậy, luôn luôn xác thực và cho là có xâm nhập. Bạn bắt đầu với giả định là mạng của bạn đã bị xâm nhập và nếu nó chưa bị xâm nhập, điều đó là không thể tránh khỏi. Những mối đe dọa từ bên trong sẽ hiện lên rõ ràng khi bạn áp dụng cách tiếp cận đó", ông Yeske nói trong một hội thảo trực tuyến ngày 26.4, theo chuyên trang quốc phòng C4ISRNET.

Tháng 11.2022, Lầu Năm Góc công bố chiến lược "zero trust", vạch ra kế hoạch thi hành chính sách không tin ai đến năm 2027. Mô hình yêu cầu người sử dụng và các thiết bị phải được đánh giá liên tục.

"Một phần của cách tiếp cận zero trust là mỗi khi một hệ thống cụ thể được truy cập, bạn đánh giá việc truy cập đó theo một bộ chính sách. Cách đánh giá này sẽ giúp nhận diện hoạt động của người truy cập thông tin, có thể là người quản trị mạng hoặc người có chuyên môn công nghệ thông tin", ông Yeske giải thích.

Tài liệu rò rỉ: Ukraine từng tính bắt tay lực lượng Kurd tấn công quân Nga ở Syria?

Hôm 17.4, Lầu Năm Góc đã tước quyền truy cập thông tin mật của một số người và đang đánh giá lại chính sách an ninh sau vụ rò rỉ tài liệu mật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.