Mất ăn mất ngủ vì con thi lớp 10

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/05/2024 06:05 GMT+7

Hai tháng trở lại đây, chị Hoàng Thị Tiên (trú Q.1, TP.HCM) luôn thấy căng thẳng, bứt rứt, mong sao cho chóng qua ngày 7.6. Đó là ngày con gái chị hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

"Mất ăn mất ngủ vì con sắp thi. Càng gần tới ngày thi, tôi càng thấy lòng như lửa đốt. Trăm thứ lo! Lo không biết đề thi năm nay thế nào, lo ôn thi thế đã đủ chưa, lo con học hành vất vả sớm hôm, lo làm sao con đến ngày thi mọi thứ suôn sẻ, con khỏe mạnh…", chị Tiên tâm sự.

"HỎI 10 CHA MẸ THÌ CẢ 10 NGƯỜI ĐỀU LO"

Con gái chị Tiên đang học lớp 9 một trường THCS tại Q.3. Để ôn thi 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh vào lớp 10, em học thêm kín mít cả tuần, kể cả chủ nhật. Có môn học, như môn ngữ văn, em học tới 2 lớp học thêm khác nhau cho "chắc ăn".

Cha mẹ thấp thỏm đợi con trong ngày thi vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2023

Cha mẹ thấp thỏm đợi con trong ngày thi vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2023

NHẬT THỊNH

Chị Tiên làm việc trong một đơn vị nhà nước, giai đoạn này chị xin phép cơ quan cho chị được làm linh động trên máy tính ở xa để xoay xở đưa đón con đi học thêm. "Sếp thấy tôi đầu bù tóc rối, tội quá nên cũng đành gật đầu. Có những lúc buổi trưa hai mẹ con tạt vào đâu ăn cơm để kịp cho con đi học. Trong lúc đợi đồ ăn, con mang xấp đề toán ra giải. Nhìn cảnh ấy tôi xót lắm, chỉ mong kỳ thi qua mau", chị Tiên kể.

Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây công bố tăng thêm chỉ tiêu vào 62 trường THPT, nâng tổng số chỉ tiêu đậu lớp 10 công lập ở TP.HCM là 76.735 học sinh, chiếm 77,5% trong số 98.681 thí sinh đăng ký nguyện vọng lớp 10 các trường THPT công lập tại TP.HCM năm nay. Như vậy sẽ có gần 22.000 học sinh không đậu vào lớp 10 công lập, phải đi một con đường khác như các trường tư thục, trường nghề… Chị Tiên cho biết ngày nào cũng mở báo ra đọc, cập nhật tin tức thi cử lớp 10 của con, lòng ngổn ngang.

"Tôi nói chuyện với các phụ huynh lớp của con, hỏi 10 người cả 10 người lo lắng. Trước ngày thi lo con ôn thi, tới ngày thi lo con có làm được không, thi xong thì lo điểm. Có điểm rồi thì lo điểm chuẩn. Có điểm chuẩn rồi thì lo tính khi con đậu, con rớt…", chị Tiên thở dài.

Sau cơn mưa tầm tã buổi chiều tháng 5, trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thông (Q.3), từ 19 giờ 15 đã rục rịch những chiếc xe máy của phụ huynh tới, đạp chân chống và đôi mắt hướng xa xăm về phía các lớp học thêm bên trong. Có những người cha trên người còn nguyên bộ đồ đi làm, trên xe máy toòng teng phích nước đá. Vừa đợi con, người đàn ông tâm sự con đang học ôn tiếng Anh, 20 giờ tan học, cô giáo này dạy ở một trường THCS tại Q.3, mỗi tuần học tiếng Anh 2 buổi, các buổi còn lại ôn thi toán, ngữ văn.

"Lực học của cháu cũng chỉ trung bình nên chúng tôi không kỳ vọng con phải đậu các trường có tiếng này kia, miễn sao con đậu trường công lập, chăm chỉ học hành, lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi đi học cao đẳng, học một nghề gì đó con thích, sau có công ăn việc làm, không vất vả như ba mẹ. Vợ chồng tôi tư vấn con chọn các nguyện vọng vừa tầm, nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, nguyện vọng 3 thì đặt vào Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định", người cha này chia sẻ.

CON HỌC GIỎI VẪN ĐỦ NỖI LO

Đến tối 18.5, các thành viên trong gia đình chị T.Hương (phụ huynh có con học lớp 9 ở Q.1) vẫn lấn cấn không biết có nên đổi nguyện vọng vào lớp 10 không.

Cha mẹ có con sắp thi vào lớp 10 đợi con bên ngoài một trung tâm học thêm trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM

Cha mẹ có con sắp thi vào lớp 10 đợi con bên ngoài một trung tâm học thêm trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM

THÚY HẰNG

Con trai chị T.Hương xin mẹ được giữ nguyên ước mơ, đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Bùi Thị Xuân, nguyện vọng 2 vào THPT Lương Thế Vinh, nguyện vọng 3 vào THPT Nguyễn Hữu Thọ. Dù lực học của con bình thường rất tốt, tổng điểm 3 môn toán, tiếng Anh, ngữ văn cuối năm lớp 9 trên 27,5 điểm, nhưng chị T.Hương vẫn lo canh cánh.

"Thi vào đại học bây giờ rất nhẹ nhàng, đa dạng trường cho mình lựa chọn. Chỉ thi vào lớp 10 là căng nhất. Tôi lo đề thi môn ngữ văn rất rộng, không biết con làm bài thế nào. Lo tâm lý của con trong ngày thi, lo điểm chuẩn năm nay liệu có tăng… Tôi không lo con không đậu lớp 10 công lập, chỉ lo con không đậu nguyện vọng 1 vào trường con thích thì con sốc, 3 năm tiếp theo con có chuyên tâm học tập được hay không", chị T.Hương tâm sự.

"Tôi chỉ còn cách động viên con, con thích học thêm thầy cô nào sẽ đăng ký cho con, phân tích kỹ để cùng con đi tới quyết định đặt nguyện vọng, nói rõ với con ngay từ đầu rằng nếu con đã quyết định chọn nguyện vọng 1 là trường nào thì sau không hối hận, và dù chỉ đậu nguyện vọng 3, con cũng hãy cố gắng học cho đàng hoàng, không được bỏ cuộc", chị T.Hương bộc bạch.

TÍNH TOÁN CÁC PHƯƠNG ÁN

Anh Vĩnh Khang (trú Q.5, TP.HCM; tên nhân vật được thay đổi) có con năm nay thi vào lớp 10. Cả nhà đã tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, bàn bạc, tư vấn, thống nhất để con đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nguyện vọng 2 vào THPT Hùng Vương (Q.5) và nguyện vọng 3 vào THPT Trần Hữu Trang (Q.5).

"Tôi cũng không ngại tính tới phương án nếu con thi không đậu cả 3 nguyện vọng kia thì mình chọn trường tư thục nào. Trong đầu tôi cũng đã tính tới 2 cái tên trường tư ổn nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Dù vậy, nhìn con cái học ôn thi giai đoạn này thấy rất xót. Chúng tôi khuyên con đi ngủ sớm, nhưng bất thành, nhiều hôm con học tới 2 giờ sáng, con nói "sợ rớt"", người cha tâm sự.

Trong khi đó, sang năm con gái mới thi vào lớp 10 nhưng ông Nguyễn Lê (68 tuổi, nghỉ hưu, trú Q.8, TP.HCM) đã lo từ bây giờ. Vì điều kiện gia đình không cho phép, cả hai con của ông Nguyễn Lê không đi học thêm ở đâu, chỉ tự học ở nhà. Con lớn đã thi đậu vào Trường THPT Bùi Thị Xuân, còn con út đang học lớp 8 Trường THCS Chánh Hưng, Q.8.

Ông Lê nói: "Dù điểm của con cao, các môn đều trên 9 nhưng tôi vẫn lo. Lo lớn nhất là con không được vào ngôi trường con thích, con sẽ rất buồn. Con cái đi học không hạnh phúc, cha mẹ nào thấy an lòng".

Áp lực tuổi 15

Một giáo viên dạy ngữ văn, chủ nhiệm lớp 9 tại một trường THCS ở Q.5 (TP.HCM) cho biết những ngày này nhìn các thí sinh ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 đều thấy căng thẳng cả ở phụ huynh lẫn học sinh. Những học sinh lứa tuổi 15 đang chịu áp lực lớn, bởi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cảm giác "khốc liệt hơn cả thi đại học". Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, và mỗi áp lực học sinh đang chịu thì không giống nhau.

Có em tự áp lực vì tâm lý "sợ rớt", áp lực vì nhóm bạn bè đều đặt chung nguyện vọng 1 vào một trường THPT yêu thích nhưng lực học của mình có vẻ đang kém hơn bạn. Có em áp lực từ sự lo lắng của cha mẹ, nhưng không phải cha mẹ nào cũng lo lắng giống nhau. Người thì lo cho sức khỏe của con, lo con không đậu lớp 10 công lập con sẽ buồn. Cũng không ít cha mẹ lo con không đậu trường xịn, trường có tiếng thì ảnh hưởng uy tín, hình ảnh gia đình mình. Có những câu nói vô tình của cha mẹ lại trở thành áp lực với con như "mẹ bỏ hết công chuyện vì con sắp thi tuyển sinh rồi"; "ráng thi đậu lớp 10, mẹ dẫn đi chơi", "sắp thi nên mẹ mua đồ ngon cho con ăn tẩm bổ, ăn cho thông minh, làm bài tốt rồi thi đậu"…

"Cha mẹ hãy gỡ bỏ những áp lực cho con nhưng bằng cách để không phải khiến con giảm sự nỗ lực, bởi không có nỗ lực thì không có thành công. Hãy dành nhiều hơn thời gian bên con lúc này, bỏ bớt những môn học thêm không cần thiết vào cuối tuần, nói nhiều hơn với con những lời động viên và dù kết quả kỳ thi có ra sao thì cha mẹ vẫn bên con", giáo viên này chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.