Một số sai sót và ngộ nhận trong nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

28/04/2024 07:06 GMT+7

Trong một số ấn phẩm ít ỏi nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn đã xuất bản lại có những sai sót và ngộ nhận đáng tiếc. Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề cần được làm rõ để tránh cho thế hệ người đọc, các nhà nghiên cứu trẻ sau này hiểu không đúng vấn đề.

Nhầm hay thiếu cẩn trọng ?

Ông bà ta có câu: "Sai một li đi một dặm". Tức là chỉ cần sơ suất một chút thôi cũng khiến sự việc đi lệch rất xa. Thế nhưng người thực hiện vẽ lại trang trí trên các trống đồng Đông Sơn để giúp các nhà nghiên cứu tường tận hơn lại không ý thức về vấn đề này. Đó là hai trống Bản Thôm và Thôn Mống in trong hai ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, do Bảo tàng Lịch sử VN xuất bản năm 1975 (tr40, 197) và ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam do Viện Khảo cổ học xuất bản năm 1990 (tr17).

Trống Bản Thôm trong ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (tr40, 197)

Trống Bản Thôm trong ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (tr40, 197)

Tư liệu của tác giả

Trống Bản Thôm in ở hai ấn phẩm nêu trên đều được ghi tìm thấy ở Bản Thôm, Sơn La. Điều này cho thấy chúng là một. Tuy nhiên, qua xem xét bản vẽ mặt trống in ở hai ấn phẩm lại cho thấy hoàn toàn khác nhau như: Hình nhà có kiểu dáng và số lượng khác nhau (một đằng 2, một đằng 4), trang phục trên người và số lượng người cũng khác nhau (8 và 6), họa tiết xen kẽ giữa các tia mặt trời (một đằng là những cánh hoa và một đằng là tam giác lồng).

Trống Bản Thôm trong ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam (tr17)

Trống Bản Thôm trong ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam (tr17)

Bản vẽ mặt trống Thôn Mống in ở hai ấn phẩm nêu trên (tr285 và 199) cũng thấy có sự khác nhau như: Họa tiết xen kẽ giữa các tia mặt trời có sự khác biệt (một đằng là những cánh hoa, một đằng là họa tiết tam giác lồng), số lượng hình đồng tiền cũng khác (2 và 4), hoa văn trên mình cóc (một đằng có, một đằng không).

Như vậy, ở đây rõ ràng là có sự thiếu cẩn thận của người vẽ, và rất cần được đối chiếu bản gốc để làm rõ.

Ngộ nhận hoa văn vòng tròn có chấm giữa với mắt động vật

Trong mỹ thuật của nền văn hóa Đông Sơn có rất nhiều động vật được khắc họa trên trống đồng, như: chim, bò, hươu, nai, cá sấu… Tất cả chúng đều có điểm chung là được thể hiện mắt bằng hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa. Thế nhưng điều đáng nói là hoa văn này còn được trang trí trên rất nhiều loại hình khác mà không phải là động vật. Mặc dầu là vậy, các nhà nghiên cứu vẫn cho đó là ký hiệu mắt động vật mà nghệ nhân Đông Sơn đã biểu đạt. Cụ thể là ở sách Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam do Bảo tàng Lịch sử VN xuất bản năm 1975 (tr27, 129) và sách Trống đồng Đông Sơn do Viện Khảo cổ học xuất bản năm 1990 (tr229).

Trống Thôn Mống trong ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (tr285)

Trống Thôn Mống trong ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam (tr285)

Hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa được sử dụng vô cùng phổ biến nếu không muốn nói nhiều nhất trong các loại hoa văn trong văn hóa Đông Sơn, riêng ở loại hình trống đồng thì phải nói 100% được trang trí loại hoa văn này. Có những trống chỉ tính riêng trên mặt đã có tới 6 vành là hoa văn này, như Ngọc Lũ I, Miếu Môn II. Còn 5 vành thì khá nhiều, như trống Cổ Loa, Hoàng Hạ… Đặc biệt còn có những trống được trang trí ngoài mặt trời ra, thì hoa văn này là chủ đạo như trống Yên Tập, Làng Vạc V. Ngoài ra, hoa văn này còn được thể hiện trên các loại hình khắc họa trên trống như: áo và búi tóc của các chiến binh và người nhảy múa; trên thuyền; trống da; vũ khí như giáo, rìu chiến; nhà cầu mùa; trên mình động vật như chim, bò, cá…

Nhìn chung, với các dẫn chứng nêu trên chỉ ra rằng: Hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa không thể là mắt động vật, bởi nếu là mắt thì hóa ra văn hóa Đông Sơn khắp nơi đều là mắt, trống đồng là trống mắt, và các nhà cầu mùa khắc họa trên trống thành nhà cầu mắt?

Trống Thôn Mống trong ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam (tr199)

Trống Thôn Mống trong ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam (tr199)

Ở đây vấn đề được đặt ra là tại sao các nghệ nhân Đông Sơn lại thể hiện hoa văn này phổ biến như vậy, thông điệp được gửi gắm ở đây là gì?

Như tôi đã chứng minh trong sách Mặt trời & hoa cúc - Biểu tượng vương quyền Việt Nam: Văn hóa về mặt trời và hoa cúc đã phát triển rực rỡ ở nền văn hóa Đông Sơn, đồng thời mặt trời và hoa cúc còn là biểu tượng quyền lực tối cao ở nền văn hóa này, để rồi được kế thừa ở quân chủ, làm biểu tượng cho vương quyền, trong đó hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa chính là một cách thể hiện giản lược nhưng cô đọng về hoa cúc (biểu tượng của mặt trời), bởi cấu trúc tự nhiên của hoa cúc như bất tử, đồng tiền, vạn thọ… đã là vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa rồi (hoa và các lớp cánh cùng với nhụy đều hình tròn). Đó là chưa kể đến nhiều bằng chứng khác, như hoa cúc được thể hiện lồng vào mặt trời, đặc biệt là đã phát hiện một chiếc rìu chiến bằng đồng có trang trí hoa cúc.

Một số sai sót và ngộ nhận trong nghiên cứu văn hóa Đông Sơn- Ảnh 5.

Hoa văn vòng tròn và vòng tròn đồng tâm có chấm giữa trên động vật và thuyền ở trống Hoàng Hạ

Như vậy, sự ngộ nhận hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa với mắt động vật sẽ làm sai lệch về lịch sử văn hóa hào hùng thời dựng nước của cha ông ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.