Muôn kiểu cắt giảm chi tiêu của người trẻ

06/08/2023 08:00 GMT+7

Vật giá ngày càng leo thang, kinh tế khó khăn khiến nhiều người trẻ dù đang có công việc ổn định, thu nhập khá nhưng vẫn chọn lối sống tiết kiệm chi tiêu tối đa.

Biến cố xảy đến bất kỳ lúc nào

Đầu năm 2023, chị Trần Oanh (28 tuổi, ngụ đường số 16, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) đang làm công việc về marketing thì bị giảm lương còn dưới 10 triệu đồng. Chưa hết sốc, tháng 5 vừa qua, công ty cắt giảm nhân sự khiến chị thất nghiệp.

Sau 3 tuần "rải" hồ sơ xin việc, phỏng vấn 7 - 8 công ty, chị Oanh may mắn có bến đỗ mới, làm sáng tạo nội dung cho một công ty mỹ phẩm. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình không mấy khả quan, chị cố gắng tiết kiệm tối đa sinh hoạt phí mỗi ngày.

"Năm 2022, việc freelance (công việc tự do) mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, mình gần như không thể kiếm thêm nhờ công việc này, lại phải sử dụng tiền tiết kiệm hơn để cân đối cuộc sống", chị nói.

Thay vì ăn cơm quán, buổi tối chị Oanh dành thời gian nấu ăn cho cả ngày hôm sau. Chị chỉ dám mua những thứ thiết yếu như lương thực, đồ dùng vệ sinh cá nhân, hạn chế tối đa mua quần áo, mỹ phẩm… Nhờ vậy, mỗi tháng chị tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng.

Muôn kiểu cắt giảm chi tiêu của người trẻ - Ảnh 1.

Người trẻ ra công viên làm việc, học bài để tiết kiệm chi phí tiền điện nước…

Trí Nghĩa

Anh Trần Đức Nam (26 tuổi), ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM, đã đi làm 3 năm nhưng không thể tiết kiệm được đồng nào bởi mua sắm, chi tiêu quá nhiều. Mỗi tháng dù anh có thu nhập 25 triệu đồng nhưng chi tiêu gần hết. Cuối năm 2022, bố bị ốm, thiếu 30 triệu đồng để điều trị, nhưng anh không có tiền gửi về.

Tiếp đó, anh Nam bị nằm trong danh sách cắt giảm lương của công ty. Điều này xảy ra đúng lúc gia đình gặp biến cố khiến anh chao đảo nhiều ngày, phải vay mượn tiền gửi về hỗ trợ bố mẹ.

Sau thời gian đó, anh Nam gần như không đi xem phim còn tập gym thì anh chọn chỗ giá rẻ. Bên cạnh đó, anh cũng quyết định ở ghép với bạn để giảm chi phí. Nhờ vậy, mỗi tháng anh tiết kiệm được gần 10 triệu đồng gửi về cho gia đình.

"Rút kinh nghiệm từ những khủng hoảng cá nhân, mình lập quỹ tiết kiệm, khi gia đình hoặc bản thân gặp vấn đề về sức khỏe sẽ có tiền ứng phó, không cần phải đi vay mượn, cũng có thể giúp đỡ người khó khăn hơn", anh chia sẻ.

Muôn kiểu cắt giảm chi tiêu của người trẻ - Ảnh 2.

Thay vì đến phòng tập, người trẻ đến công viên để tập thể dục

TRÍ NGHĨA

Dù có thu nhập tốt vẫn chọn lối sống tiết kiệm

Từng là kỹ sư thực phẩm tại Tập đoàn Ajinomoto (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), có thu nhập ổn nhưng anh Võ Phương Vinh (31 tuổi) vẫn chọn ở trọ với nhiều người, mỗi tháng chỉ chi hơn 1 triệu đồng.

Hiện, với tình hình kinh tế ảm đạm, anh Vinh đã chọn cách về quê ở xã Song Bình, H.Chợ Gạo, Tiền Giang sinh sống và làm việc. Nhờ tiết kiệm, anh cũng có một khoản tiền nho nhỏ để bắt đầu cuộc sống mới tại quê nhà.

"Bám trụ ở TP cũng khá xô bồ. Về quê cái gì cũng rẻ hơn rất nhiều. Nhưng để phòng thân, mình chọn ăn uống đơn giản, giảm hết mọi chi tiêu. Về quê ở nhà không tốn tiền trọ, làm việc vườn thay cho tập thể dục, cuộc sống bình yên", anh Vinh chia sẻ.

Cao Thanh Trúc (19 tuổi, quê ở H.Nam Trực, Nam Định) dù được học bổng 50% du học Nhật Bản, nhưng Trúc vẫn nỗ lực để làm thêm 27 giờ/tuần. Hiện, Trúc có công việc với mức thu nhập ổn ở Tokyo, nhưng chấp nhận thuê nhà ở TP.Saitama, cách nơi làm việc 2 tiếng đồng hồ di chuyển để tiết kiệm chi phí. Trúc làm việc từ vị trí thu ngân, chạy bàn tới phụ bếp trong nhà hàng. Ngoài ra cô cũng hoàn toàn không mua sắm online để tránh vượt quá số tiền mình kiếm được.

Chị Trần Anh Thy, quản lý vận hành chuỗi nhà hàng thuộc Tập đoàn IPP của Mỹ, có 10 năm kinh nghiệm về kinh tế, thị trường, cho biết từ cuối năm 2022 đến nay nhiều công ty trong nhiều ngành nghề bắt đầu sa thải hàng loạt. Các bạn trẻ hiện nay có sự sáng tạo, đa ngôn ngữ, nhanh nhẹn, tuy nhiên nhiều bạn có cái tôi lớn dẫn tới thái độ làm việc chưa tốt thường là người đầu tiên bị gạch tên trong công ty nếu có đợt sa thải.

Với góc nhìn nhà quản lý, chị Thy khuyên nếu thất nghiệp kéo dài, người trẻ có thể chấp nhận trải nghiệm công việc trái ngành, vừa có tiền, vừa thêm kinh nghiệm. "Các bạn nên cắt giảm mua sắm online, bớt ăn quà vặt. Nhiều khi một ly trà sữa còn đắt hơn đĩa cơm. Bên cạnh đó, cần tối ưu các chi phí ăn ở, đi lại hằng ngày. Như vậy đã có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhất định mỗi tháng", chị chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định: "Trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thắt chặt chi tiêu là điều hợp lý. Nếu không tiết kiệm, người trẻ có thể thiếu trước hụt sau và thậm chí nợ nần".

Thạc sĩ Hương khuyên người trẻ luôn nhớ nguyên tắc "thu phải lớn hơn chi". Luôn có số tiền tích lũy dự phòng cho những lúc rủi ro, ốm đau. Cần kiểm kê mức chi tiêu trong ngày, trong tuần. Chỉ thật sự dùng tiền cho các mục cần thiết như đầu tư vào sức khỏe và trí tuệ. Đây là khoản đầu tư an toàn và mang lại nhiều giá trị. Cuối cùng, phải tích lũy để đầu tư tài chính, tạo thu nhập cho tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.