Nâng cao vai trò của luật sư để hạn chế án oan, sai

15/02/2006 23:41 GMT+7

Hôm qua 15.2, Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết 08-NQ/TW và triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác tư pháp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trần Đức Lương nhận xét, thực hiện Nghị quyết 08, "đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được bổ sung về số lượng và năng lực trình độ dần được nâng cao. Tỷ lệ khám phá, điều tra các vụ án hình sự và chất lượng xét xử các vụ án này ngày càng cao hơn, tốt hơn... Số các vụ án xét xử oan ngày càng giảm rõ rệt. Trong các phiên tòa, tinh thần tranh tụng để tìm ra chân lý, sự thật khách quan, bảo vệ pháp luật cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự có bước khởi đầu tích cực".

Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết, bước tiến tiếp theo trong năm 2006 là tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tranh luận tại phiên tòa. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đặc biệt tâm đắc với kế hoạch này bởi theo ông, phát triển đội ngũ luật sư là "yêu cầu của văn minh và nhà nước pháp quyền". Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Anh cũng cảnh báo, mặc dù là chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng hiện tại có tình trạng phổ biến, các cơ quan tố tụng chưa thực sự tạo điều kiện để luật sư tiếp xúc đương sự ngay từ khi bắt đầu quá trình điều tra như luật định. Ông nói: "Có đương sự thậm chí bị tạm giam hàng năm trời, mặc dù có thuê luật sư nhưng cơ quan tố tụng không cho tiếp cận". Ông Phạm Quốc Anh cho rằng, việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ đầu khi khởi tố bị can, bị cáo sẽ khắc phục được cơ bản tình trạng xử oan sai, một vụ án bị xử đi, xử lại nhiều lần.

Hầu hết các tham luận tại hội nghị đều nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có tâm, có đức và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ khi đề cập đến mục tiêu của cải cách tư pháp. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm nhận định, đội ngũ cán bộ tư pháp trong lực lượng công an vừa thiếu, vừa yếu, thiết bị lạc hậu là nguyên nhân những hạn chế của hoạt động điều tra xét hỏi. Ngoài ra, ông Tiệm cũng nhấn mạnh việc xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp và xem việc tuyên truyền giáo dục pháp luật rộng khắp là một biện pháp để "giảm đầu vào của các loại tội phạm". Ông Tiệm nói: "Mục tiêu của cải cách tư pháp là để lành mạnh xã hội. Việc này nếu chỉ các cơ quan tư pháp làm thì không đủ. Qua công tác nắm địa bàn, chúng tôi thấy hiện có khoảng 13.000 thanh thiếu niên thường xuyên đi qua đêm không về nhà, đây là đầu vào của các loại tội phạm. Chúng ta phải mở rộng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các tổ chức xã hội để có thể giảm "nguồn cung" này, nếu không sẽ không có cách nào giảm tội phạm dù có tăng cường lực lượng, thiết bị cho ngành tư pháp bao nhiêu đi nữa".

Hội nghị tiếp tục làm việc đến hết ngày hôm nay 16.2.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.