Chữa trị gãy cột sống

06/06/2008 23:24 GMT+7

Áp dụng phương pháp mổ điều trị cho bệnh nhân chấn thương cột sống đang đem lại những hiệu quả tích cực. Bệnh nhân có thể phục hồi và thoát khỏi những biến chứng nặng nề.

"Giải ép" sớm

Tại khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong số những bệnh nhân bị chấn thương cột sống nhập viện mỗi ngày, chiếm 80% là do tai nạn lao động và tai nạn giao thông. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống của bệnh viện: Chất lượng điều trị cho các trường hợp bị gãy cột sống đang được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Trước đây, với các trường hợp chấn thương này, thường được chỉ định điều trị bảo tồn. Như vậy, nhiều bệnh nhân phải nằm điều trị lâu dài (khoảng 2 tháng), chịu thêm các tai biến do phải hạn chế vận động lâu ngày như: viêm phổi, viêm tiết niệu, viêm loét da.

Tiếp đó, phải sau khi tháo bột, người bệnh mới có thể tập phục hồi chức năng khiến thời gian bình phục sẽ kéo dài hơn và khó khăn hơn. Trong khi đó, ở bệnh nhân gãy cột sống, dây thần kinh thường bị chèn ép do mảnh vỡ gây nên hoặc bị mảnh xương chui vào ống tủy chèn ép tủy sống. Nếu không được mổ sớm để "giải ép", bệnh nhân có thể bị liệt do đứt tủy, hoặc chèn ép nặng gây nên.

3-5 giờ sau mổ cố định cột sống, bệnh nhân đã có thể được lăn trở người. Sau 5-7 ngày, bệnh nhân có thể tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn. Các chức năng sẽ bình phục sau vài tuần đến vài tháng sau mổ, tùy mức độ chấn thương.

Việc sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị cần rất cẩn trọng và đúng cách. Bệnh nhân gãy cột sống cần được cố định, nằm trên cáng cứng. Tùy tình trạng, bệnh nhân gãy cột sống sẽ được bác sĩ chuyên khoa khám và có chỉ định mổ cấp cứu tuyệt đối (mổ ngay) hoặc tương đối (có thể trì hoãn 3-5 ngày).

Có thể bình phục

Bệnh nhân nữ 19 tuổi, vào viện do chấn thương gãy đốt sống L1 do ngã từ độ cao 2 mét, bị liệt chân. Sau khi được mổ, cố định bằng nẹp vít, bệnh nhân đã tập phục hồi chức năng và đã đi lại bình thường. Sau 2 năm phẫu thuật, bệnh nhân không có phản ứng xấu nào do chiếc nẹp vít gây nên.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thạch, sau 4 năm áp dụng phương pháp này, đã có hơn 1.000 bệnh nhân được chữa trị. Các trường hợp có chỉ định mổ, bác sĩ phẫu thuật phần đốt sống bị gãy và cố định bằng nẹp vít. Đây là nẹp vít được làm bằng titan, gồm thân dài, có tác dụng như cầu nối hai vị trí của hai mỏm xương của phần đốt sống bị gãy. Hai "đầu cầu" này sẽ được bắt vít chặt cố định vào mỏm xương. Sử dụng nẹp vít cố định xương bị gãy giúp nắn chỉnh lại cột sống trở lại gần với vóc dáng tự nhiên, đảm bảo độ vững cho cột sống. Bệnh nhân nhờ đó sẽ tránh được các chèn ép thứ phát do cột sống bị cong vẹo. Tránh được liệt tủy do bị chèn ép lâu ngày. Phương pháp cố định bằng nẹp vít này cho hiệu quả cao hơn so với việc cố định cột sống bằng chỉ thép như trước đây.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.