Nhiều việc TP.HCM làm tốt nhưng sở ngành tự đánh giá trung bình

10/05/2024 15:51 GMT+7

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cải cách hành chính tại TP.HCM có nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả cao nhưng lãnh đạo sở ngành, địa phương chỉ đánh giá ở mức trung bình.

Nhận định trên được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu ra tại hội nghị phân tích các chỉ số cải cách hành chính năm 2023.

Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR index) năm 2023, TP.HCM đạt 86,97 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Dù tăng về điểm và thứ hạng nhưng kết quả chưa cao, chưa đạt được chỉ tiêu vào nhóm 15 tỉnh thành dẫn đầu cả nước.

Trong cấu trúc chỉ số PAR Index (100 điểm) bao gồm 2 yếu tố: điểm thẩm định và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) là 68 điểm và 32 điểm khảo sát. Trong hạng mục khảo sát gồm điều tra xã hội học (khảo sát đại biểu HĐND TP.HCM, lãnh đạo sở ngành, đơn vị thuộc sở ngành và lãnh đạo UBND quận huyện) chiếm 22/32 điểm và chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) chiếm 10/32 điểm.

Kết quả năm 2023, TP.HCM bị trừ 6,08 điểm thẩm định và tác động đến phát triển KTXH, mất 5,11 điểm điều tra xã hội học và 1,84 điểm SIPAS.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi tại phiên họp phân tích chỉ số cải cách hành chính sáng 10.5

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi tại phiên họp phân tích chỉ số cải cách hành chính sáng 10.5

SỸ ĐÔNG

Liên quan đến điểm số điều tra xã hội học, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định nhiều lãnh đạo sở ngành, địa phương hiểu chưa đúng câu hỏi khảo sát.

Theo ông Hoan, bảng khảo sát hỏi về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nhiều người nghĩ đó là chuyện lớn, chuyện chung của cả nước nên thấy rối bời, chồng chéo, trùng lắp. Tuy nhiên, thực tế số lượng văn bản quy phạm pháp luật của TP.HCM ban hành không nhiều.

"Người ta hỏi có phù hợp không, có phù hợp thì mới ban hành chứ. Người ta hỏi có tính khả thi không, thì có khả thi chứ, có văn bản nào mình ban hành ra mà không làm được đâu. Các đồng chí không trả lời là khả thi, phù hợp mà trả lời ở mức trung bình với mức dưới", ông Hoan phân tích.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM lý giải do không hiểu đúng bản chất nên phần lớn đánh giá ở mức độ trung bình cho an toàn. Điều này cũng thể hiện sự không quan tâm của lãnh đạo sở ngành, địa phương với công tác cải cách hành chính.

Ông Hoan cũng dẫn chứng thêm một số chỉ số như phân cấp ủy quyền, thực hành tiết kiệm, tổ chức bộ máy được TP.HCM tập trung thực hiện, mang lại hiệu quả tốt nhưng khi đánh giá thì đều ở mức trung bình. "Tự mình đánh giá mình thấp như thế", ông Hoan nói thêm.

Lãnh đạo TP.HCM giao Sở Nội vụ làm báo cáo riêng về việc khảo sát, lấy ý kiến cán bộ, công chức, từ đó đánh giá tinh thần, thái độ, phương pháp và đưa ra chỉ dẫn, yêu cầu để khắc phục.

Nhiều việc TP.HCM làm tốt nhưng sở ngành tự đánh giá trung bình- Ảnh 2.

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.12, TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Sắp tới, UBND TP.HCM sẽ ban hành chỉ thị tăng cường cải cách hành chính và kế hoạch khắc phục các chỉ số cải cách hành chính. Đối với kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính, TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất về việc ứng dụng công nghệ của chuyên viên. Năm 2024, TP.HCM cũng sẽ đánh giá, công bố các chỉ số về cải cách hành chính trong tháng 12 và đây là chỉ số xếp loại thi đua các đơn vị.

Chính quyền không được tham gia quy trình khảo sát

Trao đổi tại hội nghị, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND Q.1 thông tin năm 2023, Bưu điện TP.HCM phát ra 450 phiếu, thu về 260 phiếu, thấp hơn so với năm 2022.

Bà Hoa cho biết, việc lựa chọn mẫu khảo sát theo yêu cầu của Bộ Nội vụ gặp khó khăn khi lặp lại 2 phường Bến Nghé và Tân Định. Đây là 2 phường ở khu vực trung tâm, người dân cho thuê nhà, không sinh sống tại nơi thường trú nên khó khảo sát. Ngoài ra, thời gian khảo sát của năm 2023 chỉ có 4 ngày trong khi năm 2022 được 7 ngày nên số phiếu thu về ít hơn rất nhiều.

Do vậy, bà Hoa kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu đa dạng hình thức khảo sát người dân như qua app (ứng dụng), đường link để đa dạng thành phần khảo sát mà không gói gọn trong 150 phiếu mỗi phường.

Nếu vẫn triển khai lấy phiếu giấy như hiện nay, bà Hoa đề Bộ Nội vụ linh hoạt cho địa phương phối hợp nhân viên bưu điện thực hiện việc thu phát phiếu, nhắc nhở người dân hoàn thành câu trả lời và không tác động vào nội dung trả lời. Ngoài ra, việc khảo sát cần lựa chọn các địa phương luân phiên để tăng tính lan tỏa và bao phủ, nội dung khảo sát phong phú hơn.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ giải đáp về việc khảo sát sự hài lòng của người dân

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ giải đáp về việc khảo sát sự hài lòng của người dân

NGUYÊN VŨ

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ, cho biết nguyên tắc khảo sát phải chọn một quận trung tâm của TP.HCM, sau đó chọn phường thì phải có 1 phường là nơi đặt trụ sở của UBND quận, xuống tới khu phố và từng hộ dân thì sẽ ngẫu nhiên. "Việc chọn cùng địa phương sẽ thuận tiện cho việc theo dõi, đánh giá từng năm", ông Hùng nói thêm.

Về đề xuất mở rộng hình thức lấy phiếu, ông Hùng đồng tình nhưng cho rằng, việc đánh giá chỉ số SIPAS hiện phục vụ cho điều chỉnh chính sách, bảng hỏi có nhiều nội dung nên vẫn phải khảo sát giấy. Việc khảo sát qua app được doanh nghiệp thực hiện phổ biến nhưng chỉ áp dụng cho những việc đơn giản, số lượng câu hỏi ít. Sau này, khi thói quen người dân thay đổi thì Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu chuyển sang khảo sát trực tuyến.

Riêng việc chính quyền tham gia cùng bưu điện làm phiếu khảo sát, ông Hùng phân tích cơ quan nhà nước là đối tượng được đánh giá nên không được tham gia vào quá trình đó để đảm bảo tính độc lập, khách quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.