Thị trấn êm đềm - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

28/04/2024 08:30 GMT+7

Chiếc xe khách lao dốc rồi đột ngột dừng lại bên quán nước lụp xụp ven đường. Trong khi mọi người lục tục xuống xe tìm chỗ nghỉ chân, bác tài lôi bộ đồ nghề dưới gầm ra thay chiếc lốp. Từ đây đến trung tâm thị trấn chỉ còn một đoạn ngăn ngắn, cô quyết định đi bộ.

Con đường quốc lộ uốn một đường vòng cung men theo rừng keo lá tràm bạt ngàn giữa nắng chiều hanh hao khiến cô liên tưởng đến cung đường đi qua một con đèo, chốc chốc một đám khói đen sì cuộn lên sau chiếc xe chở hàng rùng rùng lao qua, để lại một lớp bụi mỏng là là trên mặt đường. Cô nhìn đồng hồ, hẵng còn sớm để có thể dạo quanh thị trấn một vòng trước khi tìm nhà trọ nào đó nghỉ qua đêm. Xốc lại chiếc ba lô đựng các thứ cọ vẽ và bột màu lỉnh kỉnh, cô rẽ vào con đường nhỏ nằm song song với kênh đào nối liền với nhánh sông ngoài kia, từ đây dẫn vào những xóm nhỏ dọc ngang như ô bàn cờ.

Thị trấn êm đềm - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Sau nhiều lần lưỡng lự, cô quyết định quay trở lại nơi này. Lần đầu đến đây cô mười tám tuổi, vừa hoàn thành kỳ thi vào đại học mỹ thuật. Cô cùng vài người bạn rong ruổi, mang theo cọ và giá vẽ lang thang khắp thị trấn nhỏ bé này. Lần này trở lại cô đã ra trường.

Mọi thứ nơi đây gần như không thay đổi, vẫn cái man mác buồn rất riêng của một chiều thị trấn năm nao. Hàng sò đo cam lập lòe như thắp lửa in bóng xuống con kênh đào nước đen. Cỏ dại vồng lên từ những khu đất trống mấp mô thoạt nhìn trông như những ngọn đồi nho nhỏ nằm giữa lòng thị trấn. Ráng chiều cuối ngày rưới một màu vàng sẫm xuống dòng kênh thành một màu lờ nhờ, đùng đục, vài đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc tụ tập trên chiếc ghế đá bên vỉa hè, chúng chơi trò gì không rõ, chỉ nghe những tràng cười thỉnh thoảng rộ lên. Cô rảo quanh tìm hàng quán. Từ đây nhìn về góc ngã tư, bóng một cây bàng lá đỏ thân nghiêng hẳn ra lòng đường. Cô đi về phía đó.

Một quán cơm bình dân được che tạm bằng những vật dụng cũ kỹ, phía trước để bảng: Quán Cây Bàng. Bên trong vắng hoe, vài bộ bàn ghế nhựa kê lỏng chỏng từ hiên vào đến hết gian nhà. Giữa thị trấn nhỏ bé này không dễ tìm một quán cơm vào buổi chiều, cô bước vào chọn chiếc bàn kê trong góc, từ chỗ này nhìn ra thấy con kênh nước lờ đờ bên những bụi bèo dâu tim tím, có đoạn mắc cạn thành một vồng hoa nổi lên giữa lòng kênh. Trong ánh chiều tàn, dòng kênh khoác một chiếc áo màu cỏ úa, mơ màng và khác lạ. Chẳng phải đợi lâu, sau lưng cô có tiếng dép loẹt quẹt đi tới. Một người đàn bà ngoài năm mươi, phốp pháp trong bộ gấm hoa sặc sỡ, bà nhìn cô bằng ánh mắt xởi lởi và nụ cười thân thiện thay cho lời chào.

"Dạ, quán chiều nay có món gì cô?".

Người đàn bà ú ớ, đưa tay làm dấu rồi chỉ vào quầy kính để thức ăn ra hiệu cho cô lại xem. Thoáng chút bất ngờ khi nhận ra người đàn bà bị câm, cô đến bên quầy chỉ vài món chiên xào và một ít rau. Loáng cái, bà đã mang đĩa cơm ra cùng với ly trà đá đặt trước mặt, ra dấu mời cô ăn rồi lui vào trong phe phẩy cái quạt ngồi ngó ra đường. Cuối dòng kênh nắng đã tắt. Cô nhẩn nha ăn thật chậm để có thời gian ngắm hoàng hôn ở thị trấn nhỏ bé này.

Từ xa, bóng hai người lom khom sau chiếc xe đẩy chầm chậm đi tới, họ đến gần cô nhận ra đó là chiếc xe đẩy bán hủ tiếu dạo. Cụ ông đầu vấn khăn rằn, hom hem trong bộ bà ba trắng đã ngả màu đang khom lưng đẩy xe, cụ bà quần lụa đen nhăn nhúm, chiếc áo màu bã trầu mỏng te khoác bên ngoài phất phơ, bà lúp xúp đi bên ông, tay cầm chiếc túi cói lép kẹp, thỉnh thoảng lọ mọ mở ra ngó nghiêng. Đến trước quán, ông cụ dừng xe kéo khăn lau những giọt mồ hôi đang túa ra bên thái dương rồi cúi xuống lôi chiếc ghế nhỏ trong xe kê ra vệ đường. Bà cụ có vẻ như đã quen, đến bên chiếc ghế ngồi xuống, mặt ngửa lên trời ra chiều nũng nịu. Ông cụ loay hoay lấy chai nước trong gầm xe rồi chạy lại xòe cái quạt phe phẩy cho bà. Mỗi khi có người đi đường lướt qua, ông cụ lại giơ chiếc quạt vẫy vẫy mời mọc "Hủ tiếu đi cô chú ơi!". Họa hoằn cũng có người dừng lại mua một tô đem đi. Có khách, ông cụ vội vàng trụng mì, xắt thịt và gói ghém, bà cụ vẫn ngồi gọn hơ trên ghế, hai tay để lên đùi chăm chú dõi theo từng động tác của ông. Khách đi rồi ông lại đến bên bà âu yếm vén mấy sợi tóc lòa xòa xuống trán. Người đi đường thưa dần, ông lại đỡ bà đứng lên lững thững đẩy xe đi.

Cô ngẩn người nhìn ông bà cụ chầm chậm sau chiếc xe đẩy cho đến khi khuất bóng mới sực nhớ đã không kịp mua giúp ông một tô. Cô quay vào gọi chủ quán tính tiền. Người đàn bà đi ra đưa tay làm dấu, không quên mời cô một trái chuối chín cùng nụ cười hồn hậu.

Thị trấn lác đác lên đèn. Mảnh trăng mọc sớm chênh chếch bên trời phủ xuống con đường vắng như một lớp sương mỏng tang. Hàng quán quanh đây đã thưa người, ánh sáng tiều tụy từ những bóng đèn đường tù mù cũng chùng xuống bởi sức nặng chập choạng của đêm. Cô lang thang rảo khắp các con đường ngày trước đã đi qua, hai chân chừng mỏi rục mới rẽ qua khu phố chợ sầm uất tìm nhà trọ. Những căn nhà cửa ngõ san sát được bao bọc bởi lớp hàng rào rỉ sét, bên trên gắn biển Nhà trọ. Cô ghé vào nghỉ chân.

Từ tầng tư căn gác nhìn ra thấy hầu như bao quát cả thị trấn. Mới qua chín giờ thị trấn đã im lìm như ngủ. Tắm gội xong cô ra ban công ngồi đợi một tiếng rao đêm nào đó đi qua. Chừng đã khuya, cô quay vào vặn to ngọn đèn ngả lưng trên chiếc ghế dài nằm đọc sách. Dưới đường, tiếng lộc cộc đều đặn từ xa đi tới. Nhìn qua ô cửa, cô nhận ra bóng cụ già lúc chiều đang khom lưng đẩy xe, cụ bà vẫn lúc thúc theo sau, gương mặt ngây ngô cứ ngước lên trời ngó nghiêng như đứa trẻ.

"Ông ơi, cho con tô hủ tiếu!", cô vội vàng mở cửa lao xuống đường.

Ông cụ quay lại tiếc rẻ "Hết rồi cô à!". Nhìn bộ dạng tiu nghỉu của cô, ông lập cập tấp xe vào lề đường, mở thùng nước lèo: "Còn chút nước, cô ưng thì tui trụng ít hủ tiếu ăn đỡ". Cô đón tô hủ tiếu lõng bõng từ tay ông, ăn lại thấy ngon hơn bao giờ. Trong khi cô ăn, bà cụ vẫn ngồi gọn hơ trên chiếc ghế nhỏ ngây ngô nhìn những bóng người thỉnh thoảng vụt qua. Ông cụ xong việc quay qua choàng chiếc khăn trùm đầu cho bà, cài lại hàng nút áo bị gió xổ tung. Ông làm mọi thứ nhẹ nhàng, tỉ mẩn như chăm đứa con nhỏ.

Cô lại gần bắt chuyện: "Ông bà ở gần đây không?". Ông cụ gật đầu, kể thêm: "Vợ chồng tui trước ở với thằng con trên phố, sau dọn về đây cũng hơn mười năm nay". "Ông bà đi bán vầy, đêm hôm mưa gió rồi làm sao?". "Thì cũng ráng kiếm ít đồng đi chợ, đủ hai vợ chồng sống". "Mà sao bà không ở nhà, theo ông đi chi cho cực?!".

Ông cụ đăm chiêu nhìn ra con kênh lặng phắc, chòm râu rung rung như xúc động, hồi lâu mới quay qua cô bùi ngùi: "Bà nhà tui trước cũng có sạp hàng ở chợ, từ ngày thằng Út đổ bịnh rồi mất, bả đau theo, tưởng không qua khỏi. Ơn trời cho bả khỏe lại nhưng trí nhớ mất luôn, giờ như đứa con nít, tui đi bán phải dắt theo chớ để ở nhà cũng lo". Ông vừa nói vừa kéo cái khăn nhè nhẹ lau vết lấm trên trán bà rồi cầm chiếc quạt phành phạch đuổi mấy con muỗi vo ve quanh chân bà. Bất giác bà cụ nhìn cô miệng nhệch ra cười, gương mặt ngơ ngáo ngước lên nhìn bóng đèn đường, trên đó bầy kiến cánh kéo về bay vòng vòng.

Bên chiếc xe đẩy, ông cụ loay hoay thu dọn, chốc chốc nhìn về phía bà như trông chừng đứa con nhỏ dại khờ. Cô nghe miệng đắng ngắt khi nhìn tấm lưng còng. Cô lại gần ông ngỏ ý gửi tiền, ông cụ xua tay: "Tui không tính tiền, còn nhiêu đó cô chịu ăn là tui vui rồi!". Biết không nên nài nỉ, cô cảm ơn ông rồi cúi xuống giúp ông thu dọn đồ đạc. Trước khi đẩy xe đi, ông lại tỉ mẩn cột chiếc khăn trùm đầu bà vừa gỡ ra nghịch, chiếc khăn bạc phếch xơ hết nùi trông như miếng giẻ lau. Thấy cô chăm chú nhìn bà cụ, ông âu yếm kể: "Tội lắm, tui nói chi cũng nghe, gặp bữa mưa gió quá biểu ở nhà tui đi bán chút rồi về mà có chịu đâu, đòi theo cho được, nói anh đi đâu em đi đó", ông cụ móm mém cười, nụ cười ấm áp khiến gương mặt ông bừng sáng.

"Bà thật diễm phúc vì có ông!", cô khẽ thốt lên.

Ông cụ xếp chiếc ghế lên xe, lẩm bẩm "Tui mới là người diễm phúc. Bà nhà tui ngày con gái là tiểu thư cành vàng lá ngọc, ưng tui về chừng vài năm tui sa cơ lỡ vận, làm đâu bể đó rồi trắng tay. Ai nói gì nói, bà vẫn theo tui, nhất quyết không bỏ tui trong cảnh cơ hàn", miệng ông cười mà mắt rưng rưng. Quay sang bà còn ngẩn ngơ nhìn lũ kiến cánh bên chao đèn, ông nắm tay: "Mình đi thôi bà!". Chỉ chờ có vậy, bà lập cập đứng lên.

Bóng ông bà cụ lẫn vào bóng đêm cô còn đứng dõi theo, bàn chân ông bấu vào đôi dép tổ ong mòn vẹt phát ra tiếng loẹt quẹt trên đường đêm đang tĩnh, cụ bà lúc thúc đi bên cạnh tay nắm chặt vạt áo ông. Hai chiếc bóng in xuống đường thỉnh thoảng lại rời ra rồi nhập vào làm một khi có tiếng xe máy đột ngột vụt qua, ông kéo bà nép vào lòng.

Cô không vào nhà trọ mà quyết định tản bộ một vòng, lang thang hết các con đường chiều nay vừa đi qua. Càng về đêm, thị trấn càng êm đềm, tĩnh lặng, gió từ lòng kênh phần phật thốc lên mùi bùn âm ấm. Bên kia sông những ngôi nhà cũ kỹ nằm tựa vào nhau trong giấc ngủ bình yên sau lớp hàng rào thưa được dựng lên sơ sài bằng những thanh gỗ mộc. Cuối chân trời lác đác vài vì sao nho nhỏ, ướt át. Sự yên tĩnh cùng những tiếng động khẽ khàng của đêm khiến trái tim cô như muốn vỡ tung ra vì sự dịu dàng đến lạ.

Một tuần trong thị trấn, mỗi sáng cô lại ôm giá vẽ ra kênh đào đợi mặt trời lên, lặng ngắm nhịp sống của những con người nhỏ bé ở thị trấn bên sông này cho đến khi hoàng hôn thả xuống dòng kênh vài vì sao mọc sớm. Trong chiếc ba lô có đôi dép nhựa cho ông, chiếc khăn trùm đầu màu mận chín cho bà cô vừa mua ngoài chợ. Mỗi ngày đi đường cô vẫn dõi mắt tìm kiếm bóng ông bà cụ cùng chiếc xe hủ tiếu quen thuộc nhưng chẳng thấy đâu, cô định bụng trước ngày về sẽ ghé quán cơm Cây Bàng nhờ bà chủ gửi lại cho ông bà.

Ngày cuối cùng, cô dạo chợ mua ít quà quê. Chợ là cái bến đò nằm giữa lòng thị trấn. Ghe từ các ngả sông đổ về, cảnh tấp nập làm cho bến đò dấy lên mùi bùn, mùi san hô và các thứ mùi chua chua của chợ. Tiếng xe lam chở hàng ậm ì, tiếng eo xèo, leng keng, tiếng xuồng ghe va quệt nhau, lúc lắc đánh đùm đụp vào nước làm dậy cả một khúc sông sặc mùi tanh nồng. Cái chợ còm nhom xộc lên mùi nước thải của con lạch đùng đục, cạn trơ, xa rồi vẫn còn nghe tiếng lục cục lạc cạc của mấy con gà bên rổ trứng, của mấy con vịt đứng xúm chùm rầu rĩ trong cái lồng tre, thứ âm thanh chợ chiều tưởng lao xao lại hóa êm đềm. Trong con hẻm, vài ngôi nhà nằm im lìm, bên cửa sổ tụi con nít ê a học bài bên dây phơi quần áo, vừa học vừa đưa võng ru em. Từ phía bến đò đi lên có tiếng rao khàn đục "Ai hủ tiếu hông?". Cô quay lại. Ông cụ cắm cúi đẩy chiếc xe qua đoạn đường lông chông ổ gà, tiếng lục cục cứ đều đều vang lên lẫn vào tiếng phành phạch của chuyến phà vừa cập bến. Bên ông, bà cụ nay điệu đàng trong chiếc áo gấm hoa màu tím và chiếc quần lụa đen có phần phẳng phiu hơn.

Đẩy xe đến góc ngã tư, ông cụ dừng lại quạt vào lò than bên dưới sau khi đặt bà ngồi ngay ngắn trên ghế. Quạt xong lò lửa, ông với bình đông nước treo trên xe xuống dỗ bà "Mình giỏi uống miếng nước coi nè!". Bà cụ ngúng nguẩy lắc đầu như hờn dỗi, ông ngồi thụp xuống ghé tai thủ thỉ điều gì đó, bà lại nhệch miệng cười, đưa chai nước lên ngửa cổ tu ừng ực.

"Hủ tiếu đi cô ơi!", thoáng thấy bóng người lại gần, ông vẫy cái quạt mời mọc. Nhận ra cô, ông cụ móm mém cười khoe hàm răng chỉ còn thấy lợi: "Ủa tui tưởng cô đi rồi chớ, ở cái thị trấn nhỏ chút này có gì mà vui?!". Cô mở ba lô lấy ra chiếc khăn trùm đầu và đôi dép: "Con mua khăn biếu bà trùm đầu cho ấm, dép để ông đi cho êm chân".

"Cảm ơn cô!", ông cụ khào khào, tỏ ra bất ngờ vì món quà từ cô. Bà cụ cầm chiếc khăn săm se như đứa trẻ rồi ngước lên nhìn ông. Ông cụ cúi xuống gỡ chiếc khăn cũ, trùm cho bà chiếc khăn mới rồi lật đật xỏ đôi dép vô chân ướm thử, đi qua đi lại coi bộ êm êm, ông cho luôn đôi dép cũ vô bao cột lại cất. Cụ bà sau khi trùm khăn mới, nghiêng đầu ngắm ông, miệng cười thẹn thò. Cô vội vàng mở ba lô lấy giấy và bút vẽ. "Bà ngồi yên cho con vẽ bà chút xíu nha!", cô dỗ dành.

Bà cụ cúi mặt, gỡ chiếc khăn trên đầu xuống vẻ ngại ngần. Cô phác được vài nét đã thấy ông cụ đến bên choàng tay qua ôm bà thầm thì điều gì không rõ, rồi quay sang cô như giãi bày: "Cho tui ngồi ké chút, cô vẽ bà nhà tui ngồi một mình bả buồn, phải có tui ngồi bên bả mới ưng!".

Bàn tay vẽ khựng lại. Cô cười mà mắt cay cay. Một điều giản đơn vậy nhưng chỉ khi ông cụ nói cô mới vỡ ra. Gió chiều khẽ lay, vài chiếc lá me chao nghiêng rơi xuống tóc bà, mái tóc bạc phơ dường như sáng lung linh dưới màu nắng vàng mơ. Ông cụ đưa tay nhặt chiếc lá me trên tóc bà. Bà cụ lúc này mới tựa vào ông, hai tay để trên đùi có ý đợi cô vẽ. Cô nhận ra trong sóng mắt cụ bà tưởng như đãng trí kia lại dạt dào những con sóng đằm sâu. Bên sông một chiếc phà từ từ cập bến, tiếng còi tu lên một hồi dài trên mặt sông, bỏ lại phía sau dòng sông vội vã, nhường chỗ cho dòng người lục tục rời phà.

Bức tranh bằng than chì phác họa vài nét đã duyên dáng lạ kỳ. Hai mái đầu bạc phơ nghiêng nghiêng tựa vào nhau ngỡ như chẳng thể nào cách biệt. Bà cụ ngắm nghía bức tranh, mắt sáng lên như bé gái lần đầu nhìn thấy chiếc váy mới.

"Con tặng ông bà làm kỷ niệm!", cô cuộn bức tranh trao cho ông.

Dải nắng cuối ngày đã nhạt, sáng nhẹ và mỏng manh. Ngoài kia nước sông dâng lên tới tận bờ kè, lênh láng tràn qua những bụi cỏ gà lông chông đã khô cong. Đứng nơi này, cô nghe nhịp đập êm đềm giữa lòng thị trấn mà đâu đó trong những cuộc hành trình của mình cô không dễ gì bắt gặp.

Bóng đêm phủ xuống, từ gác trọ nhìn ra chỉ còn thấy ánh đèn đường hiu hắt. Thị trấn đã chìm vào giấc ngủ muồi.

Ngoài song cửa, một làn mưa bụi thì thào trong bóng tối như tiếng người kể chuyện, những câu chuyện tình yêu luôn có thật trên đời. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.