Tiềm năng từ các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

27/04/2024 10:12 GMT+7

Hai xã Xuân Sơn và Quảng Thành (H.Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) có 2 khu vực được định hướng kêu gọi đầu tư hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy đất từ Công ty CP cao su Bà Rịa với tổng diện tích hơn 700 ha.

Theo Đề án 04 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra mục tiêu tỉnh này xây dựng khu NNCNC phù hợp với quy hoạch vùng và cả nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chọn xây dựng khu NNCNC tại xã Hòa Hội (H.Xuyên Mộc) với diện tích 250 ha lấy từ đất rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên do gặp khó khăn trong vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng nên việc hình thành khu NNCNC của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tìm vị trí, quỹ đất thuận lợi hơn.

Mô hình trồng nấm hồng chi của gia đình bà Vũ Nguyên Chinh (thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ, H.Châu Đức)

Mô hình trồng nấm hồng chi của gia đình bà Vũ Nguyên Chinh (thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ, H.Châu Đức)

Ảnh: Uy Vũ

H.Châu Đức có 2 khu vực được định hướng kêu gọi đầu tư hình thành vùng sản xuất NNCNC, thuộc 2 xã lấy đất từ Công ty CP cao su Bà Rịa. Theo đó, điểm xã Xuân Sơn gồm 326 ha, đây là khu vực đã thực hiện thu hồi đất, đang trong quá trình giải quyết đền bù, trong thời kỳ 2021 - 2030 có thuận lợi về quỹ đất sạch để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư.

Điểm xã Quảng Thành gồm 383 ha (chưa thực hiện công tác đền bù thu hồi đất). Vị trí khu đất tương đối gần với điểm tại xã Xuân Sơn, khả năng liên kết giữa hai khu khá thuận lợi, tiếp tục đề xuất hình thành phân khu của khu NNCNC Xuân Sơn trong thời kỳ 2021 - 2030.

Phát triển 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo phân tích hiện trạng phát triển NNCNC trên địa bàn H.Châu Đức thì khả năng hình thành vùng NNCNC đối với cây hồ tiêu đến năm 2025 khoảng 1.500 ha. Hình thành vùng NNCNC trên nền tảng vùng sản xuất tập trung tại các xã Bình Giã, Bàu Chinh, Kim Long, Láng Lớn, Đá Bạc, Sơn Bình, Xuân Sơn, Quảng Thành, Bình Trung, gắn với liên kết với các DN phát triển hồ tiêu bền vững. Mở rộng diện tích sản xuất và chứng nhận các tiêu chuẩn SAN, RA. Định hướng đến năm 2030, có thể mở rộng vùng ứng dụng CNC lên 3.000 ha. Trong đó có khoảng 10% diện tích hồ tiêu được sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ và được cấp mã số vùng trồng.

Đoàn nghiên cứu tham quan vườn rau ứng dụng CNC của Công ty Rau củ quả Vương Huy

Đoàn nghiên cứu tham quan vườn rau ứng dụng CNC của Công ty Rau củ quả Vương Huy

Ảnh: Uy Vũ

H.Châu Đức quy hoạch vùng chăn nuôi trang trại ứng dụng CNC tại xã Suối Rao. Với các quy định về mật độ chăn nuôi và dự báo quỹ đất nông nghiệp còn lại, dự kiến quy mô vùng chăn nuôi ứng dụng CNC có khoảng 40.000 con heo/năm, 500.000 con gia cầm/lứa. Đối với vùng cây ăn quả ứng dụng CNC tại H.Châu Đức cho thấy diện tích cây ăn quả được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến hơn 2.000 ha. Với định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, xu hướng các nhà đầu tư đăng ký dự án tập trung chủ yếu vào phát triển các mô hình cây ăn quả ứng dụng CNC, rau quả, cây dược liệu. Dự kiến hình thành các vùng cây ăn quả ứng dụng CNC đến năm 2025 khoảng 1.000 ha, đến năm 2030 khoảng 2.000 ha tại các xã Đá Bạc, Suối Rao, Xuân Sơn, Quảng Thành, Xà Bang, Kim Long, Bàu Chinh.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT H.Châu Đức cho biết địa phương đã hình thành vùng trồng ca cao theo hình thức hữu cơ đến năm 2025 khoảng 60 ha, tại các xã Kim Long, Quảng Thành, Xà Bang. Định hướng đến năm 2030 mở rộng diện tích sản xuất và được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lên 100 ha.

Kêu gọi đầu tư nhiều dự án

Hiện nay, UBND H.Châu Đức đang kêu gọi các DN về đầu tư, liên kết với người nông dân, định hướng phát triển các chuỗi liên kết phát triển theo hướng ứng dụng CNC và hữu cơ; xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến sâu các loại nông sản tại địa phương.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT H.Châu Đức cho biết căn cứ quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn ngoài ngân sách), danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2020 có khu NNCNC tại xã Xuân Sơn, diện tích khoảng 326 ha. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, gồm khu du lịch thác Hòa Bình (xã Sơn Bình), khu du lịch rừng lịch sử Bàu Sen (xã Xà Bang), khu du lịch hồ Suối Giàu (xã Suối Rao), khu du lịch hồ Đá Bàng (xã Đá Bạc), khu NNCNC tại xã Quảng Thành (diện tích khoảng 400 ha).

Tiềm năng từ các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- Ảnh 3.

Quy hoạch 2 khu phát triển NNCNC tại H.Châu Đức

Quy hoạch 2 khu phát triển NNCNC tại H.Châu Đức

Ảnh: Uy Vũ

H.Châu Đức cũng đề xuất danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, gồm dự án đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm, chế phẩm từ nguyên liệu trái cây (bơ, sầu riêng, thanh long, chuối, bưởi,..); kho bảo quản nông sản; cơ sở giết mổ - chế biến gia súc, gia cầm tập trung; dự án đầu tư các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng CNC kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục...

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, H.Châu Đức có tính chất là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phần phía Tây QL56 đến tiếp giáp với TX.Phú Mỹ và tỉnh Đồng Nai, phát huy vai trò động lực thúc đẩy từ các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM. Phần phía Đông QL56, tập trung phát triển nông nghiệp, chủ yếu là cây lâu năm. Hạt nhân phát triển là TT.Ngãi Giao và các địa bàn định hướng phát triển đô thị mới: Kim Long, Suối Nghệ và Cù Bị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.