Xe chữa cháy lên được tầng 5-7 mà cấp phép xây 12 tầng thì phải làm sao?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/05/2024 12:22 GMT+7

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn ví dụ thực tế xe chữa cháy lên được 5 - 7 tầng mà cấp phép cho xây 12 tầng thì không xe chữa cháy nào lên được khi xảy ra cháy, nổ. Theo ông, đây là bất cập mà luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình Quốc hội phải khắc phục được.

Sáng 14.5, tiếp tục phiên họp 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đây là dự án luật vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, trình Quốc hội tại kỳ họp 7 khai mạc ngày 20.5 tới.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, hơn 10 năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để lo cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dù vậy, tình hình cháy, nổ, tai nạn vẫn xảy ra liên tục, hàng năm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của xã hội.

Xe chữa cháy lên được tầng 5-7 mà cấp phép xây 12 tầng thì phải làm sao?- Ảnh 1.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Tán thành việc ban hành dự luật và đánh giá cao các cơ quan trong việc chuẩn bị dự án luật, ông Mẫn cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, tác động lớn đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp, gắn với đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tính mạng tài sản xã hội. Do đó, ông yêu cầu các cơ quan phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khắc phục hạn chế, đồng thời đổi mới các quy định cho phù hợp, khả thi, gắn với đời sống.

"Tại sao năm 2013 sửa luật Phòng cháy, chữa cháy, nhiều nghị định được ban hành nhưng cháy nổ và thiệt hại tài sản, tính mạng mỗi năm vẫn tăng?", ông Mẫn nêu. Ông dẫn hàng loạt ví dụ về bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay như việc xe chữa cháy không vào được khu dân cư khi xảy ra cháy, chỗ nào cũng có họng nước phòng cháy, chữa cháy nhưng khi cháy thì không dùng được.

"Thực tế địa phương, xe chữa cháy lên được 5 - 7 tầng mà cấp phép cho xây 12 tầng thì không xe nào lên được", ông Mẫn nói và cho rằng đây đều là các vấn đề cần rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa số vụ cháy, nổ, cũng như thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.

Đề cập đến tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, ông Mẫn lưu ý, đây là vấn đề được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm vì hiện nay còn nhiều bất cập. Ông đặt vấn đề: các quy định tại dự thảo đã xử lý được các vướng mắc hiện nay hay chưa, cần quy định gì để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, rõ hơn.

Dẫn quy định tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư tại điều 9 dự thảo luật, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nói rằng, quy định này là chưa rõ, cần rà soát lại.

Liên quan phòng cháy, ông Mẫn băn khoăn, việc này vừa qua được chúng ta rất quan tâm nhưng đã đủ điều kiện, đủ trang thiết bị, đủ lực lượng chưa? 

"Khi có cháy nổ thì xử lý tại chỗ là vấn đề quan trọng nhất. Nhấn gọi 114 tới nơi có khi thiêu rụi rồi. Phòng cháy tốt thì ít hoặc không phải chữa cháy" - ông Mẫn nhìn nhận, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát phân cấp, phân quyền trong thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

Khắc phục vướng mắc tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy

Xe chữa cháy lên được tầng 5-7 mà cấp phép xây 12 tầng thì phải làm sao?- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo tờ trình dự án luật tại phiên họp

GIA HÂN

Dự thảo luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 9 chương, 65 điều, quy định cụ thể về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, lực lượng, phương tiện cho các hoạt động này cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Luật được sửa đổi từ luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 đồng thời thể chế các quy định tại Nghị định số 83 năm 2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, việc sửa luật lần này đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành. Ông Long cho hay, trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội…

Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành, để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.

Mặt khác, thông qua giám sát của Quốc hội, đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập mà đến nay chưa được khắc phục triệt để như: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Từ những lý lẽ này, ông Long khẳng định, việc xây dựng dự án luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.